Câu Chuyện Cuộc Sống: Hoạt động xã hội - Động lực phát triển của nhiều bạn trẻ |
Câu chuyện cuộc sống tuần này tiếp tục lên sóng chia sẻ với những câu chuyện: Khi mạng xã hội trở thành ‘cố vấn tình cảm’ của giới trẻ – lợi hay hại?; Hoạt động xã hội – Động lực phát triển của nhiều bạn trẻ; Có nên chuyển việc khi không còn đam mê? Khi mạng xã hội trở thành “cố vấn tình cảm” của giới trẻ – lợi hay hại? Trong thời đại số, mạng xã hội không chỉ là nơi giao lưu, kết nối mà còn trở thành một “cố vấn tình cảm” đối với nhiều người trẻ. Từ những diễn đàn thảo luận về tình yêu, các nhóm cộng đồng tư vấn hôn nhân đến việc chia sẻ kinh nghiệm tình cảm, tất cả đang tạo ra một trào lưu mới: tìm kiếm lời khuyên về chuyện tình cảm trên mạng xã hội. Anh H.A (TP. HCM) cho biết: “Có lần mình nghe theo một video trên TikTok về cách xử lý khi đối phương im lặng và nó khiến mọi chuyện trở nên tệ hơn. Mình nhận ra không phải lời khuyên nào trên mạng cũng phù hợp với hoàn cảnh của mình”. Trong thời đại số, mạng xã hội không chỉ là nơi giao lưu, kết nối mà còn trở thành một “cố vấn tình cảm” đối với nhiều người trẻ. Chuyên gia tâm lý Nguyễn Quang Trường (Phó Giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp TP. HCM) chia sẻ: “Khi một bạn trẻ có vấn đề về mặt tình cảm hoặc tâm lý thì thường chọn một biện pháp đơn giản là lên mạng xã hội đăng tải vấn đề của mình đang gặp phải và lắng nghe ý kiến từ những người khác, vốn thường không có chuyên môn mà chủ yếu dựa trên trải nghiệm cá nhân của họ”. Chuyên gia tâm lý Nguyễn Quang Trường cũng chia sẻ thêm: “Đôi khi những thông tin xuất hiện trên đó mang những tư tưởng, quan điểm khác nhau. Khi gặp vấn đề về tình cảm, người trẻ thường đang có những tổn thương về mặt tâm lý, và trong giai đoạn này, họ cần nhất là sự chia sẻ, lắng nghe, động viên và an ủi. Tuy nhiên, những gì họ nhận được trên mạng xã hội đôi khi hoàn toàn ngược lại”. Mạng xã hội có thể là người bạn đồng hành nhưng không thể thay thế sự trải nghiệm và cảm nhận của chính chúng ta. Đồng thời, nó cũng không thể đảm bảo rằng mọi lời khuyên trên đó đều đúng đắn hay phù hợp. Hãy tỉnh táo lắng nghe và chọn lọc thông tin, bởi vì tình cảm không có công thức chung và hạnh phúc cũng không thể đến từ một bài đăng hay một lời khuyên thiếu tin cậy nào đó. Hoạt động xã hội – Động lực phát triển của nhiều bạn trẻ Trong xã hội hiện đại, dù công nghệ và cuộc sống bận rộn cuốn chúng ta vào những vòng quay riêng, vẫn có rất nhiều bạn trẻ dành thời gian cho các hoạt động xã hội, thiện nguyện. Họ không chỉ mang đến sự giúp đỡ vật chất mà còn nhận lại những giá trị tinh thần quý báu. Em Huỳnh Trúc Ngân (Đội CTXH Nai Tam Sắc, Trường THPT Marie Curie, TP. HCM) cho biết: “Khi tham gia vào đội, em được tự tay đi Chợ Lớn, Chợ Kim Biên mua từng món quà giúp các em nhỏ ở mái ấm rồi mang đến cho những người vô gia cư. Em thấy việc đó rất ý nghĩa và sẽ nhớ mãi khoảng thời gian này”. Em Cao Trần Minh Khoa (Đội CTXH Nai Tam Sắc, Trường THPT Marie Curie, TP. HCM) cho biết: “Khi tham gia vào đội, em học được tinh thần đoàn kết và khả năng kiềm chế bản thân. Khi thấy các em nhỏ, các ông bà nở nụ cười lúc nhận món quà nhỏ, em cũng cảm thấy vui và hạnh phúc”. Em Cao Trần Minh Khoa (Đội CTXH Nai Tam Sắc, Trường THPT Marie Curie, TP. HCM) chia sẻ. Chị Lê Phương Thảo (Đội CTXH Nhất Tâm, TP. HCM) cho biết: “Tham gia Đội công tác xã hội Nhất Tâm, mình học được rất nhiều kỹ năng như làm việc nhóm, giao tiếp với các anh chị và tạo dựng thêm các mối quan hệ. Bản thân mình cảm thấy rất vinh dự vì được giúp đỡ các em nhỏ, đặc biệt là những em có hoàn cảnh khó khăn và người già neo đơn. Mình cảm thấy việc làm của mình thật sự có ý nghĩa”. Anh Bùi Văn Bi, Chủ nhiệm Đội CTXH Nhất Tâm (TP. HCM) chia sẻ: “Mình thấy rất hạnh phúc vì đã giúp đỡ được nhiều hoàn cảnh khó khăn, và dường như niềm vui của họ cũng chính là niềm vui của mình”. Anh Nguyễn Quốc Thắng (Đội CTXH Nhất Tâm, TP. HCM) cho biết: “Mình tham gia vào đội là do được một vài người bạn giới thiệu. Sau khi tham gia một, hai chương trình đầu tiên, mình đã gắn bó đến nay được 5 năm. Khi tạo niềm vui cho người khác, bản thân mình cũng thấy rất vui, đồng thời mình cũng góp phần giúp họ bớt khó khăn hơn trong cuộc sống”. Nguyễn Nữ Nguyệt Anh (Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG TP. HCM) chia sẻ:“Hầu hết những người tích cực tham gia hoạt động Đoàn, hội thì sau này đều rất trưởng thành và có kỹ năng tốt, bởi vì thông qua những hoạt động đó họ đã được rèn luyện. Tương tự, khi tham gia các hoạt động cộng đồng, các bạn trẻ được cọ xát với thực tế, có được những trải nghiệm quý giá, từ đó có thể tự điều chỉnh và học hỏi thêm nhiều kỹ năng”. Chính vì vậy, thông qua các hoạt động này, các bạn trẻ có thể tích lũy kiến thức và xây dựng cho mình những kỹ năng quan trọng, hữu ích cho công việc trong tương lai. Hoạt động xã hội không chỉ là cầu nối giữa người với người mà còn là môi trường rèn luyện, giúp các bạn trưởng thành hơn, phát triển tư duy trách nhiệm. Tuổi trẻ với nhiều hoài bão thật tuyệt vời khi những ước mơ và hành động của các bạn có thể lan tỏa giá trị tích cực và giúp ích cho cộng đồng. Có nên chuyển việc khi không còn đam mê? Trong cuộc sống của mỗi người, việc làm đóng vai trò rất quan trọng vì nó tạo ra thu nhập để chăm lo cho bản thân và gia đình. Sau nhiều năm gắn bó, sẽ có người cảm thấy mình không còn đam mê hoặc động lực với công việc hiện tại. Khi đó, họ nghĩ chuyển đổi công việc là giải pháp tốt nhất. Nhưng liệu suy nghĩ đó có thật sự đúng? Nếu tùy tiện chuyển việc chỉ vì không còn đam mê thì có thể sẽ để lại những hệ lụy. Chị Nguyễn Thị Thu Lan (Quận 6, TP. HCM) cho biết: “Ban đầu mình rất yêu thích công việc này, nhưng thời gian về sau, mỗi sáng thức dậy mình không còn hứng thú để tiếp tục nữa. Lúc đó mình tự hỏi bản thân có muốn thay đổi công việc hay không. Việc thay đổi công việc là một quyết định lớn và mình rất ngại sự thay đổi này”. Thạc sĩ Nguyễn Thị Mai Quyên (Chuyên gia Tâm lý) chia sẻ: “Thật ra, vấn đề về đam mê khá phức tạp. Đôi khi, một người đang trong giai đoạn đi làm có thể rơi vào sự phân vân: liệu rằng chúng ta đang chịu áp lực cao độ hay chúng ta thực sự đã mất đi niềm đam mê của mình? Do đó, có thể chúng ta chưa phân biệt rõ ràng giữa việc mất hứng thú tạm thời và việc thực sự hết đam mê. Khi đưa ra quyết định thay đổi công việc với lý do mất đam mê, có thể thực tế chúng ta chỉ đang tìm cách đối phó với một dạng căng thẳng nào đó trong công việc hiện tại”. Chị Nguyễn Thị Hoa (Nhân viên văn phòng ở TP. HCM) cho biết: “Hiện tại mình đang làm trong một văn phòng chuyên về du lịch, công việc này mình đã làm khoảng 2 năm. Khi công việc của mình đạt đến đỉnh cao của áp lực, không còn thời gian cho bản thân và gia đình, mình cũng nảy sinh suy nghĩ muốn đổi việc. Nhưng công việc hiện tại đem lại cho mình sự ổn định, giúp mình học hỏi rất nhiều điều nên mình rất băn khoăn”. Chị Nguyễn Trần Khánh Vân (TP. HCM) bày tỏ: “Mình đã thử chuyển nhiều công việc nhưng mỗi nơi đều có những áp lực riêng nhất định. Cho nên, bản thân mình vẫn đang cố gắng học hỏi, trau dồi để trở nên tốt hơn, phù hợp hơn với môi trường làm việc”. Thạc sĩ Nguyễn Thị Mai Quyên (Chuyên gia Tâm lý) chia sẻ: “Phải xem lại nguyên nhân vì sao chúng ta bị mất hứng thú. Nếu là do môi trường làm việc, chúng ta cần xem thử nó ảnh hưởng đến chúng ta như thế nào để tìm cách giải quyết vấn đề trong môi trường đó. Còn nếu nguyên nhân xuất phát từ chính bản thân, thì mình cần đưa ra các giải pháp cho vấn đề cá nhân đó, tránh để nó ảnh hưởng đến mức làm bản thân mất hứng thú với công việc”. Ông Nguyễn Kim Quân (Trưởng phòng Tuyển dụng Cấp cao, Công ty HR2B) chia sẻ: “Dù chuyển việc ở bất kỳ thời điểm nào, người lao động cũng nên cân nhắc và suy nghĩ kỹ. Thứ nhất, tự xác định rõ lý do khiến mình muốn chuyển việc và tại sao lại chọn thời điểm này. Thứ hai, tìm hiểu về doanh nghiệp mình đang hướng tới: mục tiêu, văn hóa của họ là gì? Thứ ba, xem xét lại bản thân: những khả năng mình có thể đạt được khi tham gia vào một tổ chức là gì, giá trị mình đến đâu? Thứ tư, người lao động nên tham khảo kỹ thị trường lao động, đặc biệt là thị trường liên quan đến ngành nghề của mình đang làm việc”. Ông Nguyễn Kim Quân (Trưởng phòng Tuyển dụng Cấp cao, Công ty HR2B) chia sẻ. Chuyển việc khi không còn đam mê là một quyết định quan trọng và không nên thực hiện một cách vội vàng. Đam mê là cần thiết nhưng không phải là yếu tố duy nhất để quyết định. Đôi khi, điều chúng ta cần thay đổi chính là cách nhìn nhận về công việc hiện tại của mình. Điều quan trọng nhất là luôn tìm hiểu kỹ và có sự chuẩn bị cẩn thận trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. “Câu chuyện cuộc sống” phát sóng vào lúc 19:50 Thứ Ba, Thứ Năm và Thứ Sáu hằng tuần trên kênh THVL1. Hà Phương *Theo Ấn phẩm Lăng kính Người nổi tiếng Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
|