top-banner-miss-charm-2023

Thị trường Thứ sáu, 02/03/2018, 09:45 GMT+7
Điều kinh tế Việt Nam cần trong thời đại CMCN 4.0: Công nghệ, công nghệ và công nghệ

Việc bắt kịp cuộc CMCN 4.0 có thể xem là mục tiêu cao nhất, khi nó không chỉ là tổng hòa của tất cả các mục tiêu khác, mà nó còn mang ý nghĩa quyết định đến sự thịnh vượng của quốc gia trong tương lai. Để đạt được mục tiêu đó, Việt Nam vẫn đang thiếu một thứ quan trọng bậc nhất nhưng lại ít được nhắc đến: công nghệ, công nghệ và công nghệ.

kinh-te-viet-nam-can-trong-thoi-dai-cmcn-40-cong-nghe-cong-nghe-va-cong-nghe-wshowbiz

Đã đến lúc Việt Nam cần đẩy mạnh thu hút và chuyển giao công nghệ như một chìa khóa hướng đến CMCN 4.0 - Ảnh: Internet

Một cách tổng quát, nền kinh tế Việt Nam đang theo đuổi cùng lúc nhiều mục tiêu vĩ mô ở thời điểm hiện tại, trong đó ít nhiều có mối liên hệ lẫn nhau. Trong đó, việc bắt kịp cuộc CMCN 4.0 có thể xem là mục tiêu cao nhất, khi nó không chỉ là tổng hòa của tất cả các mục tiêu trên, mà nó còn mang ý nghĩa quyết định đến sự thịnh vượng của quốc gia trong tương lai. Để đạt được mục tiêu đó, Việt Nam vẫn đang thiếu một thứ quan trọng bậc nhất nhưng lại ít được nhắc đến: công nghệ, công nghệ và công nghệ.

Về lý thuyết, cuộc CMCN 4.0 không chỉ gói gọn trong lĩnh vực công nghệ mà còn bao trùm lên hầu hết các lĩnh vực khác trong nền kinh tế như thương mại, dịch vụ, tài chính và các ngành công nghiệp,… Tuy nhiên, đúng như tên gọi của nó, cuộc CMCN 4.0 dựa chủ yếu trên nền tảng là các công nghệ mới và hiện đại. Khái niệm phổ biến nhất về CMCN 4.0 là sự ra đời của một loạt các công nghệ mới, kết hợp tất cả các kiến thức trong những lĩnh vực như vật lý, kỹ thuật số, sinh học; trong đó trung tâm của cuộc cách mạng này đang nổi lên đột phá trong các công nghệ thuộc các lĩnh vực như: trí tuệ nhân tạo (AI), Robot, Internet vạn vật, xe tự hành, in 3D và công nghệ Nano. Nếu như yếu tố công nghệ đã đóng một trong những vai trò quyết định trong 3 cuộc cách mạng công nghiệp trong quá khứ, thì giờ đây vai trò của nó sẽ càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết trong cuộc CMCN 4.0 lần này.

Hãy đơn cử một ví dụ để chúng ta có thể thấy tầm quan trọng khủng khiếp của công nghệ đối với thế giới trong kỷ nguyên hiện tại: cách mạng năng lượng đá phiến. Có lẽ do các phương tiện truyền thông ở Việt Nam thường tiếp cận cuộc cách mạng này dưới một số góc độ nhất định nên nó thường được xem là một câu chuyện chỉ liên quan đến giá dầu. Nhưng, nhìn nhận một cách toàn diện, nếu có một đột phá công nghệ nào có thể thay đổi thế giới nhiều nhất trong vòng 3 năm trở lại đây, thì đó phải là cách mạng năng lượng đá phiến.

Có thể điểm qua những tác động rộng lớn của công nghệ này: nó biến Mỹ từ nước nhập khẩu năng lượng hàng đầu thế giới thành nước xuất khẩu năng lượng hàng đầu thế giới; nó khiến thị trường thế giới và địa chính trị toàn cầu chao đảo khi loại bỏ phần lớn quyền lực của các nước xuất khẩu dầu và khí đốt như Nga hay OPEC; làm gia tăng quyền lực của Mỹ cũng như đe dọa nghiêm trọng các đối thủ của Mỹ đang phụ thuộc vào giá dầu như Iran,… Tất cả những điều đó đều có được từ một đột phá công nghệ.

Thế nên, cũng chẳng có gì lạ khi công nghệ hiện tại đang là lĩnh vực được săn đón nhiều nhất trên khắp thế giới. Chỉ cần có công nghệ trong tay, thì điều gì cũng có thể xảy ra. Microsoft, Facebook, Google, Amazon,… đều là những tập đoàn khổng lồ dựa trên những đột phá công nghệ ít ỏi ban đầu. Những tập đoàn siêu quốc gia và đang sở hữu những nền tảng công nghệ tiên tiến nhất như Amazon hay Alibaba vẫn đang đầu tư hàng chục tỉ USD cho việc nghiên cứu các công nghệ mới. Không ngoa khi nói rằng, ai sở hữu công nghệ mới hơn và tiên tiến hơn, kẻ đó sẽ chiến thắng và thâu tóm thị trường toàn cầu. Thế giới giờ đây đang dần biến thành một cuộc chạy đua về công nghệ giữa các quốc gia, khi công nghệ sẽ quyết định thứ bậc và sự thịnh vượng của các nền kinh tế.

Vậy, Việt Nam chúng ta thì sao? Chúng ta đang nằm ở đâu trong câu chuyện này? Cần thừa nhận rằng Việt Nam đang là một quốc gia có nền tảng và xuất phát điểm về công nghệ ở mức rất thấp. Báo cáo mới đây của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) về chỉ số khả năng bắt nhịp với CMCN 4.0 của các nền kinh tế trên thế giới, trong đó Việt Nam đứng thứ 53/150 nền kinh tế được xếp hạng, thuộc nhóm cuối cùng trong số 4 nhóm bao gồm: nhóm dẫn đầu, nhóm tiềm năng cao, nhóm tiềm năng, nhóm sơ khai. Trong đó, Việt Nam cùng với Campuchia và Indonesia thuộc nhóm sơ khai, trong khi Philippines và Thái Lan thuộc nhóm tiềm năng, còn Singapore và Malaysia thuộc nhóm dẫn đầu (theo CafeF).

Về lý thuyết, có nhiều cách thức để nâng cao nền tảng công nghệ của một quốc gia, có thể kể đến: tự nghiên cứu, mua lại công nghệ, chuyển giao công nghệ,… Trong đó, mỗi quốc gia thường sẽ lựa chọn một cách tiếp cận mang tính mũi nhọn phù hợp với đặc điểm của mình. Việt Nam là quốc gia có nền tảng nghiên cứu công nghệ không có thứ hạng cao cũng như các nguồn lực chi cho nghiên cứu khoa học không quá dồi dào, nếu tự nghiên cứu sẽ mất rất nhiều thời gian.

Trong khi đó, việc có không nhiều các doanh nghiệp lớn với nguồn lực tài chính hùng hậu cũng khiến cho việc mua lại các công nghệ mới trên thế giới tỏ ra ít khả thi. Rõ ràng, với tư cách một nền kinh tế đang phát triển trong đó dựa nhiều vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) như Việt Nam, thì chuyển giao công nghệ chính là điều chúng ta có lợi thế và cần xem là lĩnh vực mũi nhọn và nên đẩy mạnh hết mức có thể.

Nhưng, thực tế thì sao? Kết quả khảo sát của WEF cho biết hệ số chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp FDI sang các doanh nghiệp nội địa ở Việt Nam thuộc loại thấp nhất trên thế giới, thua cả Lào và Campuchia (theo CafeF). Đây là một điều không thể tưởng tượng nổi với một nền kinh tế mỗi năm thu hút hàng chục tỉ USD vốn đầu tư nước ngoài và khu vực FDI chiếm tới hơn 70% kim ngạch xuất khẩu như Việt Nam.

Chúng ta đang tham bát bỏ mâm, thu hút FDI chỉ để lấy tiền thuế và tạo việc làm (phần lớn là gia công) trong khi bỏ đi những gì có giá trị nhất là công nghệ tiên tiến. Một số quan điểm cho rằng các doanh nghiệp nội địa Việt Nam còn yếu, không thể đủ khả năng hấp thu công nghệ kể cả khi được chuyển giao. Nhưng thực tế thì ngược lại. Một cách thức rất phổ biến khi chấp nhận một dự án FDI là buộc phải thành lập liên doanh, buộc các doanh nghiệp FDI phải chuyển giao một phần công nghệ ngay từ đầu cho các đối tác nội địa. Theo thời gian, khi doanh nghiệp nội lớn mạnh sẽ tự đủ sức hấp thu toàn bộ công nghệ mới.

Chính sách thu hút FDI của Việt Nam vì thế giống như một trò đùa. Chúng ta giảm thuế phí, tăng ưu đãi về tài chính để thu hút các dự án FDI chỉ để thu về một số nguồn thu ít ỏi từ thuế (đã được giảm) và tiền lương lao động (cũng thấp không kém). Các quốc gia khác, như Trung Quốc, sở dĩ sẵn sàng chấp nhận giảm thuế phí và tăng ưu đãi để thu hút FDI với mục tiêu sau cùng là công nghệ. Và giờ đây Trung Quốc đã trở thành một cường quốc công nghệ, tiến lên các bậc cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu, còn Việt Nam thì vẫn lẹt đẹt với các lĩnh vực gia công đơn giản. Công nghệ mới là yếu tố hàng đầu trong việc đột phá lên các nấc cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Việt Nam đã và đang phải trả một cái giá vô cùng đắt vì tầm nhìn thiếu bao quát của mình trong suốt những năm trước đây.

Mọi thứ, dĩ nhiên vẫn còn chưa quá trễ. Những cải cách của Chính phủ hiện nay đang hướng tới việc thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh, và việc xiết chặt lĩnh vực chuyển giao công nghệ từ khu vực FDI giờ đây là một bước đi song song cần thiết nhằm bổ trợ cho các doanh nghiệp tư nhân trong nước. Chỉ khi làm chủ được các công nghệ tiên tiến, thì Việt Nam mới có thể hy vọng bắt kịp chuyến tàu CMCN 4.0 thay vì bỏ lỡ như 3 chuyến tàu trước đó.

Theo Nhàn Đàm/motthegioi.vn - 2/3/2018

Link nguồn: http://motthegioi.vn/khoa-hoc-cong-nghe-c-68/dieu-kinh-te-viet-nam-can-trong-thoi-dai-cmcn-40-cong-nghe-cong-nghe-va-cong-nghe-82999.html


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

metro-sai-gon

bia-kndn

hoa-moc-thien

moc-beauty

miss-charm

Google Plus WSHOWBIZ.COM
buy dnp