top-banner-miss-charm-2023

Thời trang Thứ hai, 19/05/2014, 13:30 GMT+7
Vì sao các thiết kế Việt thiếu tính ứng dụng?

Thời trang vốn dĩ để phục vụ nhu cầu mặc đẹp cho mỗi người trong cuộc sống và công việc thường ngày. Tuy nhiên xa rời thực tế là điều nhiều nhà thiết kế trẻ tại Việt Nam đang mắc phải. Thời trang Việt vẫn chưa khắc phục được hạn chế lớn nhất là việc quá bay bổng trong ý tưởng thiết kế. Chính điều này dẫn đến sản phẩm may mặc giới thiệu trong các show diễn chưa thể đáp ứng nhu cầu mặc đẹp, mặc hợp mốt của người tiêu dùng trong nước.

Sự phát triển của ngành thời trang trong nước đưa đến nhiều chương trình thời trang hoành tráng và thu hút sự quan tâm của công chúng. Các buổi trình diễn những năm gần đây không chỉ thiên về tính chất giải trí đơn thuần, nó còn mang tính định hướng thẩm mỹ và giới thiệu những khuynh hướng mới. Các chương trình runway giới thiệu phong cách ready to wear ra đời, dần thay thế cho những đêm thời trang ý niệm, thời trang kết hợp các bộ môn nghệ thuật, thời trang ca nhạc tạp kỹ…

Điển hình nhất, khi nhìn lại những bộ thời trang theo phong cách ready to wear tại Tuần lễ Thời trang Việt Nam thu đông 2014 vừa qua, phần đông giới mộ điệu thời trang trong nước đều có chung cảm nhận, các thiết kế này khó lòng được người tiêu dùng đón nhận. Bởi đơn giản chúng khó mặc.

SB-ThoitrangVietxaroithucte-2

Nhiều mẫu thiết kế mới theo dòng ready to wear vẫn chưa mang tính thuyết phục cao. Thiết kế mang tính sáng tạo cao nhưng khó ứng dụng trong cuộc sống là điểm dễ nhận ở các mẫu thiết kế mới của nhiều nhà thiết kế trẻ.

“Thời trang Việt Nam đã phát triển nhiều so với trước đây. Nhưng để đáp ứng đầy đủ nhu cầu mặc đẹp và hợp mốt thì chắc cũng cần có thêm thời gian. Giới trẻ Việt Nam bây giờ theo sát bất kỳ xu hướng nào trên thế giới. Trái ngược hoàn toàn với sự cập nhật xu hướng thịnh hành của giới trẻ, các nhà thiết kế Việt dường như vẫn còn đang bay bổng quá so với thực tế và nhu cầu của người tiêu dùng”, stylist Trịnh Tú Trung chia sẻ về tính ứng dụng chưa cao của thiết kế Việt.

Sự sáng tạo là yếu tố giúp các nhà thiết kế có thêm những ý tưởng phong phú và mang đến những điều mới lạ cho những thiết kế của mình. Tuy nhiên trong quá trình thiết kế thời trang, nếu quá say sưa với những ý tưởng riêng, đề cao chủ nghĩa cá nhân mà quên đi thị hiếu người tiêu dùng cũng có thể khiến sản phẩm của họ xa rời thực tế.

Nhìn theo khía cạnh chân thực và đơn giản nhất, nhà thiết kế chỉ thực sự tồn tại trong ngành thời trang khi xóa được khoảng cách giữa sàn diễn và cuộc sống hàng ngày. Sản phẩm họ mang đến được phần đông người tiêu dùng đón nhận và yêu thích. Đối với những nhà thiết kế giàu sức sáng tạo và nhạy bén trong kinh doanh, họ luôn tách biệt hai phong cách “đồ diễn” và “đồ bán”. Trang phục khi tham gia các show diễn thời trang không thể thiếu sự bay bổng, sáng tạo và thể hiện ý tưởng và quan điểm trong thiết kế. Thời trang trình diễn còn để khẳng định phần nào cá tính và phong cách riêng của mỗi nhà thiết kế. Chính vì thế, đôi khi, những mẫu váy áo xuất hiện trên sàn diễn lại khó mặc trong đời sống hàng ngày.

Nhà thiết kế trẻ Lê Thanh Hòa cho biết: “Khi thực hiện các sản phẩm ứng dụng bên cạnh sự tinh tế, tỉ mỉ đến từng cm cho kỹ thuật cắt may, yếu tố nắm bắt được xu hướng, thị hiếu khách hàng và đối tượng khách hàng mình hướng đến cũng vô cùng quan trọng. Thời còn là sinh viên tôi vẫn luôn thích được thiết kế nên những bộ trang phục ấn tượng, phi thực tế. nhưng khi bước chân vào con đường kinh doanh thì mọi thứ lại khác. Và tôi nghĩ các NTK trẻ cũng vậy, cứ đế mọi thứ tự nhiên, rồi cái nghề sẽ dậy bạn biết làm gì, cần làm gì. Quan trọng hơn hết là bạn có đam mê, nhiệt huyết với nghề”.

Chính sự thiếu cọ xát với đời sống thực tế đã khiến những ý tưởng dồi dào của nhiều nhà thiết kế chỉ bắt mắt trên bản vẽ, cuốn hút trên sàn diễn chứ chưa thực sự có giá trị cao trong cuộc sống thường nhật. 

SB-ThoitrangVietxaroithucte-4

Một chiến lược kinh doanh với sự đầu tư kỹ lưỡng về thị trường tiêu dùng sẽ giúp các mẫu thiết kế Việt không còn xa rời thực tế như hiện tại

Một hiện thực cho thấy các nhà thiết kế Việt vẫn liên tục cập nhật xu hướng mới về màu sắc, chất liệu, phom dáng. Nhưng việc lắng nghe và đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng vẫn chưa được lưu tâm. Chính vì thế đa phần các bộ sưu tập của các nhà thiết kế trẻ đều mang nặng tính cá nhân và chưa phù hợp thị hiếu chung.

Theo chị Hà My, Giám đốc sản xuất Elle show, tại Việt Nam không thiếu các nhà thiết kế trẻ có có tài, giàu đam mê, mang hoài bão lớn nhưng phần lớn họ lại thiếu một cái đầu kinh doanh. Thiết kế của nhiều bạn trẻ dù rất đẹp, rất sáng tạo nhưng lại mang tính cá nhân, có khi lại quá xa rời thực tế, xu hướng thời trang và thị hiếu chung. Do đó được báo chí ca ngợi, những thiết kế ấy vẫn khó chen chân vào tủ quần áo của người tiêu dùng.

Khi được hỏi về lý do nào khiến nhiều nhà thiết kế trẻ tại Việt Nam thường mắc lối xa rời thực tế - chưa đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước, chị Hà My chia sẻ: “Tôi nghĩ điều này phụ thuộc rất nhiều vào giáo dục và truyền thông. Những lớp đào tạo thiết kế ở trường vẫn chưa chú trọng nhiều vào đào tạo kỹ năng kinh doanh, cũng như truyền thông hiện nay vẫn chưa có nhiều cây bút hiểu thời trang đủ để bình luận sát thực tế hơn, giúp nhà thiết kế hiểu rõ hơn về nhu cầu, thị hiếu của thị trường. 

Nghề thiết kế thời trang thật sự là một chức danh khá “oai” và rất dễ nhận được sự hậu thuẫn của truyền thông và giới nổi tiếng. Điều này là con dao hai lưỡi vì khi được ca ngợi quá đà, thiết kế liên tục được xuất hiện trên báo chí cùng những người nổi tiếng, nhiều người dễ dàng ngủ quên trong chiến thắng. Để rồi sau này nhìn lại, những tên tuổi ấy dần dần mất tích trên bản đồ thời trang vì thiết kế của họ vẫn chỉ mãi nằm trên mannequin và tạp chí. Theo tôi các nhà thiết kế phải có một cái đầu tỉnh táo hơn để luôn nhớ rằng tiếng nói của người tiêu dùng vẫn là quan trọng nhất”.

 Thanh Thu (Showbiz.net.vn)

 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

metro-sai-gon

bia-kndn

hoa-moc-thien

moc-beauty

miss-charm

Google Plus WSHOWBIZ.COM
buy dnp