Câu Chuyện Cuộc Sống: Xây dựng tình cảm gia đình nơi bàn ăn |
‘Câu chuyện cuộc sống’ tiếp tục lên sóng chia sẻ bí quyết để xây dựng tình cảm gia đình nơi bàn ăn và thông qua group chat để kết nối giữa các thành viên gia đình, đồng thời cho biết giá trị của tinh thần làm việc tập thể. Group chat gia đình kết nối yêu thương Khi công nghệ phát triển, nếu biết tận dụng ưu thế, công nghệ sẽ góp phần gắn kết tình cảm của các thành viên trong gia đình. Một trong những cách được nhiều người áp dụng hiện nay là tạo group chat gia đình. Trong bối cảnh nhiều gia đình có người thân sống xa nhau, group chat gia đình ra đời như một cách để mọi người luôn hướng về nhau, tăng sự tương tác kết nối. Chị Trần Minh Thu, sinh sống tại Quận 3, TP.HCM cho biết, công việc bận rộn chị thường không có nhiều thời gian ngồi lại trò chuyện cùng con. Sự ra đời của group chat đối với gia đình chị như một công cụ giúp chị chia sẻ, gắn kết trò chuyện cùng con.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Giàu – Chuyên gia Tâm lý chia sẻ, group chat gia đình là nơi để chúng ta cảm thấy tự nhiên, thoải mái và an toàn để chia sẻ thông tin với người nhà. Nhưng chúng ta cần phải biết chừng mực, biết rõ ý định của mình. “Tính năng tốt nhất của group chat chính là nơi trao đổi thông tin. Nếu chúng ta chỉ dựa vào group chat để giao tiếp với nhau mà không có những cuộc gặp gỡ ở bên ngoài, rất khó để việc gắn kết tình cảm giữa các thành viên trong gia đình một cách bền vững và sâu sắc”. Những tiện ích mà công nghệ mang đến đều có những hạn chế, do đó muốn giữ hạnh phúc gia đình đòi hỏi các thành viên tự ý thức trách nhiệm, xây dựng tổ ấm, biết cân bằng và sử dụng hiệu quả những tiện ích công nghệ. Chỉ khi thật sự dành thời gian cho nhau và luôn có sự đồng cảm và san sẻ thì hạnh phúc gia đình mới gắn kết bền vững.
Tinh thần làm việc tập thể Khi làm việc cùng nhau, việc xây dựng tinh thần tập thể điều cần thiết. Bởi khi chúng ta đồng lòng chung sức, thì chắc chắn năng suất sẽ cao hơn khi thực hiện một mình. Từ lâu ở các cơ quan, đơn vị doanh nghiệp đều quan tâm đến việc xây dựng tinh thần tập thể như một nét văn hóa nơi công sở. Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Uyên – Giảng viên ngành Quản trị Nhân lực, Trường Đại học Hoa Sen cho biết, mỗi tập thể đều có quy tắc và quy định thì mới có thể hoạt động được. Nếu không có quy tắc, quy định không có tập thể nào có thể hoạt động được lâu dài. Mỗi thành viên trong nhóm phải xác định được vai trò của chính bản thân mình. Nếu những cá nhân không xác định được mục tiêu chung thì tinh thần tập thể rất có thể sẽ bị hủy hoại. “Để tạo ra nét văn hóa làm việc tập thể một cách văn minh, chúng ta cần giao tiếp cởi mở và biết cách lắng nghe người khác một cách chủ động. Bạn cần biết lắng nghe người khác và không phán xét, đồng thời tôn trọng giá trị của cá nhân mình và của mọi người xung quanh. Bên cạnh đó cần có sự chấp nhận và học hỏi từ những người xung quanh. Nếu bạn chấp nhận được sự khác biệt giữa mình và những người khác, và học hỏi từ những sự khác biệt đó sẽ giúp ích cho việc phát triển và trau dồi kỹ năng. Tình thần tập thể từ đó sẽ được nâng cao rất nhiều. Đồng thời việc lắng nghe nhân viên, truyền động lực cho họ và môi trường làm việc tích cực góp phần lớn trong việc hình thành và thúc đẩy tinh thần làm việc của mỗi cá nha, tập thể”, Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Uyên chia sẻ thêm. Muốn đi xa thì phải đi cùng nhau, bởi mỗi cá nhân đều có những điểm mạnh kiến thức riêng. Mỗi khi làm việc chung với nhau cần có sự chia sẻ hỗ trợ từ đó tập thể bền vững gắn kết hơn, công việc sẽ được giải quyết nhanh hơn hiệu quả hơn. Xây dựng tình cảm gia đình nơi bàn ăn Trong cuộc sống, bữa cơm gia đình không chỉ đơn thuần để mọi người cùng thưởng thức những món ăn ngon, đây còn là nơi tụ hợp, gắn kết các thành viên, cùng nhau chia sẻ niềm vui và nỗi buồn, tạo nên không khi gia đình nồng ấm, xua tan những mệt nhọc lo toan trong cuộc sống. Tuy nhiên hiện nay với cuộc sống hối hả, bữa cơm gia đình với đông đủ thành viên dần ít đi, từ đó sự liên kết tình cảm giữa các thành viên trong gia đình sẽ bị ảnh hưởng. Chị Nguyễn Hà My, sinh sống tại TP.HCM cho biết, dẫu cuộc sống bộn bề, gia đình chị vẫn giữ truyền thống sinh hoạt với những bữa cơm gia đình quây quần bên nhau. Bước vào bữa ăn tối, gia đình chị luôn giữ thói quen không sử dụng điện thoại, dành toàn bộ thời gian đó cùng ăn cơm và trò chuyện với nhau. “Thật ra chỉ cần chúng ta hiểu các thành viên trong gia đình, ai thích ăn món gì thì việc đi chợ sẽ không mất quá nhiều thời gian. Chỉ khoảng một tiếng đồng hồ chúng ta dành thời gian đó ngồi ăn cùng nhau thì tất cả thành viên trong gia đình đều cảm nhận được tình yêu, sự ấm áp và kết nối với nhau dễ hơn”, chị Hà My chia sẻ. Thạc sĩ Nguyễn Thị Tâm – Chuyên gia Tâm lý cho biết, bữa cơm gia đình chỉ là bước đệm cho sự sum vầy gắn kết giữa các thành viên trong gia đình với nhau. Bữa cơm gia đình không chỉ đơn giản là việc cung cấp năng lượng, chất dinh dưỡng, mà đó là nơi các thành viên có thể trao đổi, lắng nghe và chia sẻ giúp hiểu nhau hơn. Điều đó làm chúng ta cảm thấy được yêu thương, và cảm thấy hạnh phúc hơn. Khi có những bữa cơm gia đình cùng nhau, mỗi người chúng ta luôn cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc hơn, được trút bỏ mọi cảm xúc tiêu cực bên ngoài cuộc sống. Để trở về nhà cùng ăn bữa cơm, cùng chia sẻ với nhau và rồi thứ ta nhận lại là sự thấu hiểu, đồng cảm giữa các thành viên trong gia đình. Từ đó giúp khoảng cách giữa ông bà, cha mẹ, con cái được gần hơn, tình cảm gia đình ngày càng được vun đắp sau những bữa cơm đoàn tụ. ”Câu chuyện cuộc sống” phát sóng vào lúc 19h50 thứ Ba, thứ Năm và thứ Sáu hàng tuần trên kênh THVL1. Hà Phương *theo Ấn phẩm Kết nối Doanh nhân Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
|