Còn nhiều điều chưa biết về nhạc sĩ Thanh Tùng |
Chị Nguyễn Bạch Dương, con gái nhạc sĩ, nói với Tuổi Trẻ vẫn có nhiều điều công chúng chưa biết hết về ba mình. Đó là nguồn cơn cho dự án Legacy of love - Di sản tình yêu. Chị Bạch Dương và cha, nhạc sĩ Thanh Tùng - Ảnh: GĐCC Dự án này gồm một buổi hòa nhạc ngày 15-9 tại Nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội); sau đó là đĩa than, phim tài liệu và sách về nhạc sĩ Thanh Tùng. Trong dự án này gia đình mời những ca sĩ trẻ như Lân Nhã, Uyên Linh, Nguyễn Ngọc Anh. Chị Dương nói gia đình muốn thế hệ trẻ hơn tiếp tục lan tỏa giá trị âm nhạc của Thanh Tùng. Qua tiếng hát của họ, nhạc Thanh Tùng đến thêm với thế hệ công chúng cùng thời. "...Hơn những gì người ta nghĩ" * Legacy of love - Di sản tình yêu muốn giới thiệu một khía cạnh khác trong di sản âm nhạc của nhạc sĩ Thanh Tùng, đó là gì? - Năm 2017, từ tin nhắn của một fan hâm mộ nhạc sĩ Thanh Tùng, gia đình tôi cảm thấy những gì công chúng biết và hiểu về ba tôi chưa thật đầy đủ. Đó là lý do thôi thúc khởi sự dự án này. Chúng tôi mất mấy năm trời gặp gỡ những người bạn của ba, tìm hiểu và hệ thống hóa lại di sản của ông. * Khán giả đó đã nói gì? - Anh nói anh thấy buồn vì có một số người không hiểu gì về nhạc sĩ Thanh Tùng. Họ nói ông yêu nhiều (tình yêu trai gái - PV) nên mới viết nhiều tình ca như vậy. Ông lớn hơn những gì người ta biết và nói về. Anh tin ông không chỉ là một nhạc sĩ tài hoa, mà còn là một người giàu tình cảm và có trái tim nhân hậu. Ông đâu phải người yêu nhiều để viết nhạc. * Khi tìm gặp và nghe những người bạn của ba mình kể về ông, điều mà chị choáng ngợp nhất là gì? - Khán giả biết ông là ông hoàng của nhạc tình ca, nhưng điều mà chúng tôi cảm thấy thú vị lẫn tự hào đó là di sản của ông không dừng lại ở đó. Ông là một trong những nhạc sĩ hiếm hoi được đào tạo sáng tác chỉ huy ở Bình Nhưỡng rồi về làm việc ở Đài tiếng nói Việt Nam và Đài truyền hình TP.HCM, là người tiên phong khi chuyển soạn nhạc nhẹ thành nhạc không lời trong những năm 1970. Gia đình muốn khắc họa lại đầy đủ chân dung đó. Với tư cách là con gái, đồng thời là người hâm mộ âm nhạc của ông, tôi "đi tìm" ba mình, để rồi tự vỡ ra nhiều điều. Có những điều đã biết nhưng cũng có không ít điều chưa biết, để rồi nhìn rõ hơn, đầy đủ hơn. Tôi nghe bạn bè kể về ông, càng trân trọng và yêu mến cốt cách, nhân phẩm của ông hơn. Chẳng hạn nghe nhà văn Nguyễn Đông Thức nói "ba con là một người hào sảng", tôi rất cảm động. Ngoài tài năng và tác phẩm để lại, tôi nghĩ cuộc đời ông để lại một thứ thậm chí còn lớn hơn âm nhạc là nhân cách, sự tử tế và nhân văn. "Ông là chiến sĩ thời đổi mới" * Chị có biết lý do bước chuyển của nhạc sĩ Thanh Tùng khi từ một người học khí nhạc, làm hòa âm phối khí sang viết ca khúc, lại toàn tình khúc? - Tôi cũng không biết một cách chính xác vì sao trong thập niên 1980 đó ba chuyển sang viết ca khúc. Nhưng tôi nhớ hồi đó ba rất thân với bác Trịnh Công Sơn. Có lần ba kể tôi nghe những ca khúc đầu tay mà ba viết xong đều đưa bác Sơn nghe. Bác Sơn khen "Tùng viết hay quá, viết thêm đi". Chúng tôi cũng nghe một số người nói ông Thanh Tùng yêu rất nhiều để viết nhạc. Ý nói tình yêu nam nữ. Không đúng đâu. Ông chỉ có một mình mẹ tôi thôi. Chữ "tình" trong âm nhạc của ông rộng lớn hơn nhiều, không chỉ là tình yêu nam nữ mà có cả tình yêu quê hương đất nước. Chẳng hạn như bài Lời tỏ tình mùa xuân. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và nhạc sĩ Thanh Tùng (phải) - Ảnh: DƯƠNG MINH LONG Tôi nghĩ trong buổi giao thời, đất nước mở cửa và đổi mới, mỗi nghệ sĩ giống như một chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng. Ba tôi cũng không ngoại lệ. Ba góp phần vào thành công của những đoàn văn nghệ ở các tỉnh. Ví dụ với đoàn Lâm Đồng, ông từng sáng tác một ca khúc rất hay là bài Hoàng hôn màu lá - tôi nghe từ bé và rất thích, một ca khúc viết rất tình cảm về thanh niên xung phong. Hay như đoàn Cát Tiên Sa (ở Quảng Nam), ba tôi sáng tác Cây lúa Quảng Nam dựa theo làn điệu dân ca xứ Quảng, do Thanh Trà hát, đã giành huy chương vàng tại Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 1985 ở Hải Phòng. Ngày đó, ông được xem là "con gà đẻ trứng vàng". Ông dàn dựng cho ai, cho đơn vị nào thì nơi đó, người đó đều được huy chương vàng tại các hội diễn ca múa toàn quốc. * Hồi bé ông hay đưa chị đến những show ca nhạc. Hai ba con chắc có nhiều kỷ niệm đáng nhớ? - Vì ông phải trông con nên hồi bé, ba hay cắp tôi đến các buổi biểu diễn hằng đêm rồi đi các tỉnh. Tôi nghe ông tập bài rồi tổng duyệt với ca sĩ. Khoảng năm 2000, tôi mới từ Mỹ về Việt Nam, rất muốn làm ca sĩ dù học tài chính - kế toán. Ba nói "ba sẽ cho con gái một bài hit mới viết xong đó là Đếm lá ngoài sân". Tôi chính là ca sĩ đầu tiên hát ca khúc này vì lẽ đó. Tuy nhiên sau khi nghe lại bản thu âm bài hát này, tôi quyết định không làm ca sĩ nữa (cười). Có một chuyện khác giờ mới kể. Gia đình tôi thực ra có họ Hà, không phải Nguyễn. Ba từng kể nếu đặt theo đúng gia phả, tên tôi sẽ là Hà Minh Tâm. Ông muốn đặt cái tên đó vì mong con có một cái tâm trong sáng. (nguồn: tuoitre.vn) Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
|