top-banner-miss-charm-2023

Thị trường Thứ sáu, 09/12/2016, 09:49 GMT+7
12 hộ dân ở chung cư Giai Việt đồng loạt làm đơn tố cáo gởi các cơ quan báo chí

Sự việc tưởng như rất bình thường bởi chỉ là những thủ tục hành chính vẫn diễn ra hàng ngày trong mối quan hệ giữa người dân với các cơ quan chức năng…

Thế nhưng, sự việc bình thường ấy lại phát sinh mâu thuẫn, thậm chí là gay gắt, khiến những người dân vốn hiền lành, ngại va chạm với pháp luật phải đồng loạt viết đơn tố cáo gởi đến các cơ quan báo chí, cầu viện đến tiếng nói của công luận để đòi hỏi công bằng cho mình.

Điều gì đang xảy ra ở đây? Vẫn là vấn đề muôn thuở: các cơ quan chức năng đã xử lý, vận dụng đúng những quy định, luật pháp… trên tinh thần tạo bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân hay chưa?

Đơn tố cáo của 12 hộ dân ở chung cư Giai Việt

Vào những ngày cuối tháng 11.2016, tòa soạn Báo điện tử Một Thế Giới nhận được đơn của 12 hộ dân tại lô A1.1, chung cư Giai Việt, 854-856 Tạ Quang Bửu, P.5, Q.8, TP.HCM, chủ đầu tư là Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai, tố cáo về việc: “Văn phòng đăng ký đất đai Thành phố Hồ Chí Minh không trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho các hộ dân tại lô A1.1 chung cư Giai Việt, 854 –856 Tạ Quang Bửu, P.5, Q.8”.
    
Theo trình bày của những người dân thì sự việc diễn biến như sau: 

“Tháng 6.2014, sau khi người dân chúng tôi đã thanh toán 95% - 97% giá trị hợp đồng (như thỏa thuận tại hợp đồng) thì chủ đầu tư đã bàn giao các căn hộ. Đến năm 2015, chủ đầu tư mới bắt đầu tiến hành nộp hộ chúng tôi hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (Sổ Hồng). Từ tháng 3.2016 – 7.2016, người dân chúng tôi đã được Sở Tài nguyên Môi trường ký ban hành Sổ Hồng nhưng chưa trao cho chúng tôi. 

Chủ đầu tư đã yêu cầu cư dân chúng tôi ký giấy ủy quyền để chủ đầu tư thay mặt chúng tôi nhận Sổ Hồng từ Văn phòng đăng ký đất đai Thành phố (VPDKDD). Tuy nhiên, cư dân chúng tôi chưa đồng ý ký ủy quyền vì hai bên chưa quyết toán được công nợ và các nghĩa vụ được quy định tại hợp đồng mua bán. Ngày 14.4.2016 rồi ngày 7.7.2016, chúng tôi đã có văn bản gửi chủ đầu tư (cũng có gửi bản sao đến VPDKDD), đề nghị thông báo chính thức các khoản tài chính để chúng tôi thu xếp, cũng như để quyết toán công nợ giữa hai bên. Mãi đến ngày 27.9.2016, chúng tôi mới nhận được thông báo công nợ từ chủ đầu tư, trong đó yêu cầu chúng tôi phải thanh toán những khoản tiền vô lý, không đúng quy định của pháp luật và không được thỏa thuận tại hợp đồng mua bán căn hộ. Thông báo cũng cố tình bỏ qua các nghĩa vụ mà chủ đầu tư không chịu thực hiện đúng.

Ngày 28.7.2016, người dân chúng tôi có văn bản gửi đến VPDKDD, kiến nghị VPDKDD trao Sổ Hồng trực tiếp cho cư dân chúng tôi vì chúng tôi sẽ không ký ủy quyền cho chủ đầu tư nhận thay bởi chúng tôi e ngại chủ đầu tư sau khi nhận, sẽ giữ Sổ Hồng làm “con tin” hòng buộc chúng tôi phải thanh toán các khoản tiền vô lý, không đúng quy định của pháp luật và không được thỏa thuận tại hợp đồng mua bán căn hộ, giống như cách mà chủ đầu tư đang thực hiện với các hộ đã ký ủy quyền cho chủ đầu tư. 

Ngày 23.8.2016, được sự hướng dẫn của VPDKDD, chúng tôi đã có văn bản gửi chủ đầu tư (cũng đã gửi bản sao đến VPDKDD), đề nghị cử đại diện đi cùng chúng tôi đến VPDKDD để thực hiện thủ tục trao – nhận Sổ Hồng giữa ba bên. Nhưng chủ đầu tư không phản hồi.

Ngày 1.9.2016, VPDKDD đã có văn bản số 13759/VPĐK-ĐK, khẳng định “các vấn đề liên quan đến tranh chấp về Hợp đồng mua bán như thuế VAT, phí bảo trì... không thuộc phạm vi giải quyết của Văn phòng đăng ký Thành phố, đề nghị Ông/bà liên hệ với chủ đầu tư hoặc Tòa án để được xem xét giải quyết theo quy định.”

Ngày 7.9.2016, chúng tôi lại có đơn kiến nghị lần 2, trong đó liệt kê và phân tích 5 lý do hợp pháp và hợp lý để VPDKDD trao trực tiếp Sổ Hồng cho chúng tôi.

Ngày 26.9.2016, tại trụ sở UBND phường 5, quận 8, VPDKDD đã tổ chức cuộc họp “về việc phối hợp giao nhận GCN QSDĐ, QSDNO và TSKGLVĐ cho người mua là hộ gia đình cá nhân tại dự án… phường 5, quận 8”. Đại diện VPDKDD đồng chủ trì cuộc họp (cùng với UBND P.5) là Trưởng phòng Đăng ký và Cấp giấy chứng nhận. Tại cuộc họp, sau khi thống nhất với UBND P.5, VPDKDD đã cam kết “sẽ thực hiện niêm yết các căn hộ được trao trả GCN tại UBND P.5, Q.8 và VPĐKTP vào ngày 29.9.2016. Người mua nhận GCN cần đem theo CMND bản chính. Biên nhận giữa VPĐKTP và Công ty Quốc Cường, đề nghị Công ty Quốc Cường giao trả biên nhận cho VPĐKTP vào ngày 29.9.2016. Trong trường hợp Công ty Quốc Cường không giao Biên nhận cho VPĐKTP thì VPĐKTP vẫn giao trả GCN cho người mua và không chịu trách nhiệm vấn đề này” (biên bản làm việc ngày 26.9.2016). Cam kết này đúng với nội dung cuộc họp tại thư mời 14769/TM-VPĐK-ĐK ngày 21.9.2016.

(Xin nói thêm, mặc dù chủ đầu tư chỉ nộp hộ hồ sơ xin cấp Sổ Hồng thay cho chủ sở hữu căn hộ - khoản 3, điều 72, nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15.5.2014 – nhưng biên nhận hồ sơ lại ghi tên đại diện của chủ đầu tư – Bùi Thị Hiếu Hạnh, do đó VPDKDD có động thái yêu cầu chủ đầu tư trả biên nhận này).

Chuẩn bị cho việc trao – nhận Sổ Hồng ngày 29.9.2016, chúng tôi đã gửi văn bản ngày 27.9.2016 đến chủ đầu tư, trong đó thông báo sẽ hoàn trả các khoản tiền (căn cứ theo chứng từ): lệ phí trước bạ, phí đo vẽ hiện trạng căn hộ, lệ phí cấp Sổ Hồng (nếu có) mà chủ đầu tư đã tạm ứng.

Nhưng thật bất ngờ, trong khi cư dân chúng tôi đang mong chờ nhận Sổ Hồng ngày 29.9.2016 thì VPDKDD đã hỏa tốc phát hành văn bản số 15210/VPĐK-ĐK ngày 28.9.2016, đơn phương hủy bỏ cam kết trao Sổ Hồng cho chúng tôi. Không chỉ như vậy, trong văn bản 15210, VPDKDD còn tự ý đặt ra thủ tục mới (mà không dẫn chứng được bất kỳ quy định pháp luật nào làm căn cứ), đòi hỏi “người mua cung cấp chứng từ chứng minh đã hoàn tất nghĩa vụ tài chính theo Thông báo của chủ đầu tư” thì mới giao Sổ Hồng…”. 

Từ những diễn biến đã nêu này, người dân đã gởi đơn tố cáo, đối tượng bị tố cáo không phải là chủ đầu tư dự án chung cư Giai Việt, mà chính là Văn phòng đăng ký đất đai TP.HCM…

Nguyên nhân của những mâu thuẫn

Tóm lại, mâu thuẫn chính trong vụ việc này là: Mặc dù người dân ở các căn hộ đã nêu chính là người đứng tên trên các “Sổ Hồng” đã được ký, đóng dấu nhưng đã bị tước đi cái quyền nhận trực tiếp nó từ tay các cơ quan chức năng, dù không hề ký văn bản ủy quyền nhận cho bất kỳ ai, mà “buộc” phải nhận các “Sổ Hồng” này từ một pháp nhân mà họ không hề muốn ủy quyền (như các hộ đã được nhận “Sổ Hồng” khác trong cùng chung cư). 

Từ mâu thuẫn này, nhiều vấn đề khác phát sinh có thể được tạm khái quát lại và nêu như sau: VPDKDD đã gặp phải một chuyện “nan giải” khi xác định khái niệm chủ sở hữu thực sự của những căn hộ đã “ra giấy tờ” này, những người dân đã ký hợp đồng giao dịch mua – bán các căn hộ trong chung cư hay chủ đầu tư chung cư? Nếu chủ đầu tư là chủ các căn hộ, thì tại sao các “sổ hồng” lại đứng tên những người dân? Còn nếu các người dân là chủ hợp pháp (đứng tên) của các căn hộ, thì tại sao họ lại không được nhận trực tiếp những “sổ hồng” từ các cơ quan chức năng, mà chỉ được nhận nó từ chủ đầu tư sau khi bị “ép” ký giấy ủy quyền? Chủ đầu tư có quyền gì mà lại được “ép” những người dân trong một hành vi theo pháp luật quy định là hoàn tòan mang tính tự nguyện?

Và, nếu như có tranh chấp phát sinh trong giao dịch mua – bán giữa những người dân và chủ đầu tư thì VPDKDD có thẩm quyền để can thiệp? Còn nếu như VPDKDD tự cho mình có “quyền hạn” để can thiệp trong tranh chấp giữa đôi bên thì liệu cơ quan này có tư cách pháp nhân để chịu “trách nhiệm” khi việc thực thi “quyền hạn” này dẫn đến các tranh chấp khác lớn hơn? Việc buộc những người dân có giao dịch mua bán với chủ đầu tư phải “như thế này hoặc như thế khác” với chủ đầu tư có là quyền hạn của VPDKDD? Nếu những “Sổ Hồng” đã được ký tên, đóng dấu chưa hội đủ điều kiện để được “ra sổ” thì tại sao lại “làm sẵn” và hứa cấp cho chủ sở hữu? Nếu những “Sổ Hồng” đó đã hội đủ những điều kiện để cấp thì tại sao không cấp, quy định nào, cơ sở pháp lý nào biện minh cho hành vi này? Nếu như những tranh chấp giữa những người mua căn hộ và chủ đầu tư vẫn kéo dài bất tận thì những “Sổ Hồng” đã ký tên, đóng dấu sẽ được “treo” tại VPDKDD đến bao giờ?

Về mặt lý thuyết, luật pháp đã có những quy định rất rõ ràng về mọi mặt cho các cơ quan chức năng để thực thi quy định của pháp luật trong các thủ tục hành chính, các cơ quan chức năng cứ thế mà thi hành. Vậy nhưng, khi những quy định pháp luật, những văn bản pháp quy ấy được các cơ quan chức năng vận dụng vào thực tế xã hội lại có những biểu hiện, hành vi khiến cho người dân “không thể hiểu nổi”, từ đó những tố cáo, khiếu nại liên tục diễn ra khiến những việc tưởng chừng như hết sức đơn giản, minh bạch lại trở nên rối rắm, phức tạp…

Theo Motthegioi.vn


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

kndn

bhql2024

moc-beauty

hoa-moc-thien

Google Plus WSHOWBIZ.COM
buy dnp