Hàng ngoại nhập giá rẻ 'bức tử' hàng Việt |
Hàng ngoại, nhất là hàng Trung Quốc giá rẻ ngày càng tràn ngập thị trường Việt Nam, áp đảo hàng Việt do giá "rẻ như cho", mẫu mã đa dạng, giao hàng nhanh... Số tiểu thương chọn bán hàng Trung Quốc cũng tăng mạnh. Hàng thời trang Trung Quốc đã đẩy những chợ bán sỉ quần áo nổi tiếng như chợ Tân Bình (TP.HCM) rơi vào cảnh ế ẩm - Ảnh: N.TRÍ Để bảo vệ hàng Việt cũng như sản xuất trong nước, ngoài nỗ lực của bản thân các doanh nghiệp, nhiều chuyên gia cho rằng cơ quan chức năng cần sớm có các giải pháp như xây dựng hàng rào thuế quan đối với hàng nhập giá rẻ và có chính sách hỗ trợ về vốn, hạ tầng, hệ thống logistics... Nếu không, hàng Việt sẽ bị "bức tử" trên sân nhà, sản xuất trong nước cũng ngày càng teo tóp. Hàng Trung Quốc tràn ngập từ kho đến chợ mạng Vào trang "Nai...", chuyên livestream bán hàng thời trang - đồ dùng cá nhân có gần 5.000 lượt theo dõi, theo ghi nhận của chúng tôi, phần lớn mặt hàng này nhập khẩu, trong đó đa phần từ Trung Quốc. Người bán rao đang xả thanh lý với giá 99.000 đồng cho 6 cái vỏ gối, bộ dao 3 món nhập khẩu bán chỉ 99.000 đồng, nồi lẩu gần 900.000 đồng nhưng giảm còn 199.000 đồng... và hàng loạt đồ dùng gia dụng như nồi, ấm... Chỉ hơn 1 giờ livestream, kênh này đã thu hút hàng trăm khách chốt đơn đặt mua. Tương tự, vào một fanpage Facebook có tên "Chuyên thời trang Quảng Châu..." với hơn 105.000 thành viên, chúng tôi ghi nhận mỗi ngày có hàng chục bài đăng bán lượng lớn quần áo, giày dép Quảng Châu (Trung Quốc) với giá chỉ từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn đồng được đông đảo người mua quan tâm. Trong vai người mua, chúng tôi liên hệ và được một người bán hàng tại đây xác nhận hàng nhập từ Quảng Châu về mỗi tuần, đồng thời khẳng định khách mua sỉ sẽ được giảm 20 - 30% so với giá bán lẻ, giá phổ biến 50.000 - 150.000 đồng/sản phẩm quần áo. "Hàng Trung Quốc mẫu mã đa dạng, giá rẻ, trong đó 50 - 60% hàng Quảng Châu rồi. Hàng nhập về liên tục nên khách cứ mua, muốn loại nào cũng có", người bán khẳng định. Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 17-11, bà Ngô Thị Hoa, chủ một kênh livestream bán hàng thời trang, cho biết trước đây thường bán xen kẽ hàng Việt và Trung. Nhưng hơn 1 năm nay, bà chuyển sang bán hàng Trung Quốc vì hàng nhập về quá dễ dàng, mẫu mã đa dạng. "Một đôi giày bình dân hàng Trung chỉ khoảng 100.000 - 150.000 đồng, trong khi hàng Việt cùng phân khúc này 150.000 - 200.000 đồng. Chưa kể Trung Quốc có đến cả 30 - 40 mẫu giày, gần như tháng nào cũng có mẫu mới nên dễ bán hơn hẳn", bà Hoa nói. Theo một số người bán hàng, không cần qua Trung Quốc tiểu thương vẫn có thể lấy hàng từ các kho xưởng trong nước, nhưng khoảng 70 - 80% là nhập hàng từ Trung Quốc. Ngoài đồ thời trang, hàng gia dụng của Trung Quốc như thau chậu, xoong nồi, cây lau nhà... với số lượng dồi dào và giá rất rẻ, thậm chí bằng nửa giá hàng Việt. Tương tự, các chương trình giảm giá lớn từ nhiều sàn thương mại điện tử (TMĐT) cũng tràn ngập hàng Trung Quốc. Vào một sàn TMĐT lớn, chỉ cần gõ cụm từ "hàng Trung Quốc" vào ô tìm kiếm, ngay lập tức hiển thị hàng loạt kết quả với rất nhiều loại hàng hóa từ đồ gia dụng, văn phòng phẩm, mỹ phẩm, thời trang, thực phẩm, thậm chí có cả cây giống... Tìm đến một tài khoản chuyên bán quần áo Trung Quốc trên sàn này, chúng tôi ghi nhận sàn này đang giảm giá 50%, miễn phí giao hàng, thậm chí tặng thêm tiền nếu giao hàng trễ so với cam kết... Những chính sách này giúp thu hút đông đảo người mua. Một cơ sở gia công quần áo lao đao vì hàng hóa Trung Quốc giá rẻ - Ảnh: TỰ TRUNG Hàng Việt thất thế trên sân nhà Chị Ngô Thị Bảo (TP Thủ Đức, TP.HCM) cho biết thời gian qua các trang TMĐT liên tục giảm giá sâu. Tuy nhiên việc tìm mua quần áo, giày dép Việt nằm trong danh mục giảm giá trên các sàn này không dễ do hàng Việt có mức giảm ít hơn hàng nước ngoài, cũng ít mẫu mã để chọn. Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Đặng Hiến, phó chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp khu công nghiệp TP.HCM (HBA), cho rằng hàng Trung Quốc đi theo chính sách giá rẻ và mẫu mã đa dạng, đánh đúng tâm lý tiêu dùng của những nước đang phát triển như Việt Nam, đặc biệt là các vùng nông thôn. Do đó theo ông Hiến, dễ hiểu khi hàng Trung ngày càng lấn át hàng Việt, gần như đi đâu, nhóm hàng nào cũng thấy. Nhưng không chỉ chiếm ưu thế trong lĩnh vực giày da, may mặc, đồ gia dụng, ngành sản xuất thực phẩm của Trung Quốc cũng đang lấn sân sang Việt Nam rất nhanh. "Các công ty nước giải khát - đồ uống trong nước chỉ chiết khấu cho nhà phân phối cấp 1 từ 12 - 15%, nhưng hàng Trung Quốc có thể đưa ra mức chiết khấu cao hơn nhiều. Điều này dễ khiến nhà phân phối xiêu lòng và lựa chọn "sống chết" với hàng Trung Quốc, ngó lơ sản phẩm khác", ông Hiến nói. Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Luận, giám đốc Công ty TNHH Liên kết thương mại toàn cầu (TP.HCM), cho biết ngay cả sản phẩm cà phê vốn là thế mạnh của Việt Nam nhưng doanh nghiệp này cũng gặp khó khi cạnh tranh hàng Trung Quốc, chưa nói đến chuyện xâm nhập thị trường này. Bởi việc bán hàng trên các sàn TMĐT, livestream bán hàng thì không dễ vì vướng nhiều chính sách và mức thuế, phí cao. Trong khi đó, ngoài giá rẻ, hàng Trung Quốc thường được sự đồng hành, hỗ trợ lớn của sàn TMĐT đến từ Trung Quốc như TikTok, Temu... khiến hàng Việt đã khó cạnh tranh càng gặp khó. "Trung Quốc chọn những người có sức ảnh hưởng trên mạng tại các quốc gia để đào tạo, tài trợ... từ đó tạo ra những "chiến thần livestream" cam kết bán hàng Trung Quốc. Thêm sự hậu thuẫn của các doanh nghiệp, sàn TMĐT Trung Quốc, các cá nhân này kéo theo lượng lớn người bán, thay đổi xu hướng tiêu dùng. Đây là một chính sách góp phần đưa hàng Trung tung hoành nhiều nước, chứ không riêng gì Việt Nam", ông Luận nói. Nhiều nhãn hàng may mặc xuất xứ từ Trung Quốc bày bán tại một trung tâm thương mại ở quận 1, TP.HCM, chiều 18-11 - Ảnh: TỰ TRUNG Lo sản xuất trong nước teo tóp Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Khánh, phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội Da giày TP.HCM, cho biết trước dịch COVID-19, thị trường trong nước tiêu thụ đến khoảng 50 - 60% hàng da giày được doanh nghiệp nội sản xuất, nhưng tỉ lệ này đang giảm rất mạnh. Theo ông Khánh, ngoài lý do kinh tế khó khăn, hàng Trung Quốc giá rẻ tràn ngập là lý do chính khiến doanh nghiệp Việt đang sống mòn. Đơn cử, đôi giày thể thao Trung Quốc được bán tại Việt Nam có loại chỉ 60.000 - 70.000 đồng/đôi nhưng nếu doanh nghiệp Việt sản xuất, ít nhất giá vốn phải 100.000 đồng/đôi. "Trung Quốc tự chủ được nguyên vật liệu, công nghệ, trong khi Việt Nam gần như nhập khẩu nguyên phụ liệu từ Trung Quốc, mẫu mã luôn đi sau. Nên so về giá thành, mẫu mã, Trung Quốc đã ăn đứt rồi. Chưa kể Trung Quốc xây dựng các trung tâm thương mại lớn sát biên giới và cho doanh nghiệp vào trưng bày, giới thiệu hàng gần như không tốn phí", ông Khánh nói. Theo ông Nguyễn Đặng Hiến, hàng Trung Quốc muốn thâm nhập thị trường nào đó thường được "hộ tống" của các trang TMĐT, hệ thống vận tải, kho vận lớn ở dọc biên giới, chưa kể được ưu đãi nhiều về vốn, công nghệ trong quá trình sản xuất giúp tiết giảm giá thành. Một chuyên gia trong lĩnh vực TMĐT cho biết không riêng gì Trung Quốc, Thái Lan cũng đang dần học theo và làm khá tốt chiến thuật này, đặc biệt là xây dựng kho vận dọc biên giới. Ngược lại, các doanh nghiệp Việt gần như tự bơi. "Những kho vận, trung tâm thương mại dọc biên giới, cửa khẩu của chúng ta gần như chỉ đếm trên đầu ngón tay, điều này ảnh hưởng rất lớn đến khâu logistics khi thâm nhập thị trường nước ngoài", vị này nói. Ông Nguyễn Ngọc Luận cho rằng cần có giải pháp để hàng Việt Nam phủ hết kệ hàng tại các siêu thị, trong sân bay. Chẳng hạn như phải có nhiều những gian hàng OCOP, có không gian để trưng bày. "Không chỉ xây dựng hàng rào thuế quan với hàng nhập giá rẻ, cần có chính sách hỗ trợ hàng Việt Nam như hỗ trợ xúc tiến, giảm thuế phí cho khâu nguyên liệu...", ông Luận nói. Tiểu thương đuối dần... Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Đoàn Thị Thu Hà, đại diện Ban quản lý chợ Thủ Đức (TP Thủ Đức, TP.HCM), cho biết ngoài kinh doanh ế ẩm vì chịu sự cạnh tranh lớn từ hàng online, các chợ truyền thống đang gặp nhiều khó khăn về vấn đề thuế, phí. Cụ thể, trong khi hoạt động kinh doanh tại chợ ế ẩm trong thời gian dài vừa qua, Nhà nước yêu cầu tăng thuế, phí đối với các quầy sạp tại chợ. Do đó nhiều tiểu thương tính toán giảm quy mô, thậm chí nghỉ bán. Theo bà Hà, tình trạng này kéo dài khiến việc tiếp quản công tác quản lý tại chợ của đơn vị đi vào ngõ cụt vì thu không đủ chi. (nguồn: tuoitre.vn) Tin cũ hơn:
|