Liên kết du lịch miền Trung – Bài toán khó cần ngay lời giải |
Với tiềm năng du lịch phong phú, miền Trung đang là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách. Tuy nhiên, việc tăng tính liên kết trong phát triển du lịch giữa các địa phương tạo nên chuỗi du lịch đặc sắc vẫn là bài toán khó tại khu vực này. Du lịch di sản và du lịch biển luôn là thế mạnh của các tỉnh miền Trung. Tuy nhiên, việc thiếu tính liên kết trong phát triển du lịch vẫn luôn được coi là “gót chân Achilles” của dải đất nhiều tiềm năng, lắm di sản. Đây cũng là bài toán khó cho các tỉnh thành miền Trung trong việc làm thế nào để tìm ra một đáp số chung cho sự hợp tác, liên kết một cách hiệu quả nhất - nếu như không có những cái bắt tay thật chặt từ chính quyền địa phương, đến các cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn để tìm tiếng nói chung trong sự liên kết. Theo thống kê từ các tỉnh, lượng khách du lịch về miền Trung tăng trưởng cao và ổn định từ 11 - 13%, cao hơn bình quân chung cả nước khoảng 8,7% và thu nhập tương ứng với tốc độ bình quân trên 20%. Không ít sản phẩm liên vùng đã gây tiếng vang như 3 quốc gia một điểm đến của ba nước Đông Dương, carnaval trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây, tour Một ngày ăn cơm ba nước. Ba con đường Di sản miền Trung, Con đường Trường Sơn huyền thoại qua 14 tỉnh, thành miền Trung hay Con đường xanh Tây Nguyên cũng là những minh chứng cho thành quả liên kết xây dựng sản phẩm, xúc tiến quảng bá trong nhiều năm qua của ngành du lịch miền Trung. Cố đô Huế
Ông Đinh Văn Lộc, Giám đốc công ty du lịch Việt Đà, TP Đà Nẵng cho biết: "Chúng tôi thường xuyên tổ chức các đoàn Famtrip để giới thiệu các điểm đến cho phóng viên, cho khách du lịch để tăng sự liên kết vùng miền". Ông Đinh Hài, Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Nam cho biết: "Hàng năm chúng tôi đều triển khai xây dựng các kế hoạch nhằm liên kết với các tỉnh thành khác để xây dựng sản phẩm du lịch. Tuy nhiên, việc liên kết cũng còn nhiều khó khăn do sản phẩm du lịch ở mỗi tỉnh có những đặc thù riêng”. Thế mạnh chung của các tỉnh, thành miền Trung là nguồn tài nguyên du lịch khá đa dạng với nhiều tiềm năng nổi trội về biển, đảo, vịnh nước sâu, đất, rừng, di sản văn hóa lịch sử... Tuy tiềm năng đa dạng, phong phú, hấp dẫn là vậy, nhưng do lâu nay giữa các tỉnh, thành phố miền trung chưa có liên kết theo chiều sâu, các địa phương chỉ mới chú trọng khai thác trước mắt hơn là phát triển và đầu tư sản phẩm du lịch nên chưa chuyển tải được đầy đủ đặc trưng văn hóa - du lịch khu vực Duyên hải miền Trung. Một du khách tới từ Pháp cho biết: “Khi tới miền Trung, Việt Nam, tôi thấy có rất nhiều sản phẩm du lịch giống nhau ở các địa điểm mà tôi đi qua. Đặc biệt, khi thiết kế tour, những người làm tour vẫn để các sản phẩm du lịch trùng nhau. Tuy nhiên, dù sao tôi vẫn thích các bãi biển ở miền Trung, chỉ tiếc là làm sao cho các sản phẩm du lịch từng nơi có nét đặc trưng riêng, như vậy sẽ thu hút du khách hơn”. Tiềm lực phát triển du lịch miền Trung còn bắt nguồn từ vô số di sản khác thông qua sự giao thoa, tiếp biến của các nền văn minh Sa Huỳnh, Chăm pa, Đại Việt và với thế giới bên ngoài, tạo nên bản sắc đa chủng tộc, đa văn hóa. Tuy nhiên, với lối tư duy: Đèn nhà ai nhà nấy rạng, du lịch miền Trung vẫn bị xem là yếu khâu liên kết. Bãi biển Đà Nẵng
Thực tế hiện nay cũng cho thấy, việc liên kết theo kiểu tận thu những lợi thế sẵn có và mang tính thời vụ, chưa có sự liên kết, hợp tác bền chặt trong hoạt động du lịch của các tổ chức, các công ty du lịch, lữ hành ở miền Trung hiện nay đã nảy sinh vấn đề cạnh tranh du lịch không lành mạnh, thiếu tính thống nhất, liên kết chắp vá, hoặc chưa có chiều sâu giữa các địa phương. Chính phương thức hoạt động "mạnh ai nấy làm" đã tạo nên một số hệ lụy xấu, ảnh hưởng đến toàn bộ tiến trình xúc tiến du lịch mang tính vùng - miền. Ông Lê Hữu Minh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: “Đà Nẵng có pháo hoa - Huế có festival, cần liên kết để có sản phẩm chung. Hai tỉnh cần có con đường để liên kết du lịch với nhau, cùng đồng thuận để đưa ra những sản phẩm du lịch chung, tránh chèn ép giá, nâng cao chất lượng sản phẩm”. Việc hợp tác liên kết giữa các tỉnh trong khu vực nhằm phát huy và khai thác thế mạnh của nhau, phát triển thị trường ngày càng trở nên cần thiết. Tuy nhiên, muốn làm được, rất cần có một "bà đỡ" về cơ chế liên kết, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động trong ngành du lịch liên kết với nhau. Bên cạnh đó, cũng cần một “nhạc trưởng” để điều khiển, kết nối, hỗ trợ và tạo điều kiện để các địa phương, các doanh nghiệp tham gia nhiều hơn nữa. Chiếm chưa đầy 1/5 chiều dài đất nước, nhưng miền Trung đã trở thành quê hương của 5 di sản và kiệt tác văn hóa Việt Nam được UNESCO công nhận. Bài toán liên kết hợp lý giữa các địa phương tìm ra lời giải càng sớm, sẽ càng tạo nên những chuỗi du lịch hấp dẫn, thu hút ngày càng nhiều hơn, khách du lịch cả trong và ngoài nước đến với miền Trung trong tương lai. Theo VTV
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
|