top-banner-miss-charm-2023

Thị trường Thứ tư, 21/03/2018, 16:27 GMT+7
Mua củ cải kiểu từ thiện để giải cứu nông dân chỉ là giải pháp tình thế

Chuyên gia Vũ Vinh Phú - nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại Hà Nội cho rằng Việt Nam yếu hẳn về kế hoạch, công nghệ dự trữ, chế biến sâu cho nông sản. Những loại hoa quả, rau củ như củ cải, su hào hoàn toàn có thể chế biến sâu thành các sản phẩm giá trị cao.

giai-cuu-cu-cai-cho-dan-me-linh-wshowbiz

Người dân giải cứu củ cải cho nông dân Mê Linh - Ảnh HP

Những ngày gần đây, hàng nghìn tấn củ cải, su hào ở Hà Nội và Hải Dương tiếp tục lâm vào tình trạng đổ bỏ vì khó tiêu thụ. Và điệp khúc giải cứu nông sản lại tiếp tục được thực hiện hết năm này qua năm khác.

Tại buổi làm việc với huyện Mê Linh của Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung ngày 21.3, Phó giám đốc Sở Công Thương Trần Thị Phương Lan cho biết vừa qua, nông dân thu hoạch khoảng 2.000 tấn củ cải trên diện tích 20ha. Trong đó, 5% củ cải được tiêu thụ qua hệ thống siêu thị, 95% phụ thuộc vào thương lái nên không chủ động được đầu ra dẫn đến tình trạng cung vượt cầu.

Bên cạnh đó, dịp sau Tết Nguyên đán, giá củ cải sụt giảm nghiêm trọng khiến hàng trăm hộ dân ở thôn Đông Cao, xã Tráng Việt phải nhổ bỏ… gây thiệt hại lớn.

Được biết, ngoài các nhóm giải cứu tự phát thì các siêu thị như VinMart, BigC, FiviMart đều đã thống nhất hỗ trợ thu mua củ cải cho người dân với giá 3.000-4.000 đồng/kg. Công ty cổ phần Bánh mứt kẹo Hà Nội, Công ty Bánh kẹo Tràng An cũng đề nghị hỗ trợ sấy khô miễn phí cho nông dân.

Theo ông Nguyễn Mạnh Xuyên, Bí thư xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, gần 1 tháng nay giá củ cải trắng giảm mạnh chỉ còn 1.000-2.000 đồng/kg vẫn ế. Hiện còn thừa hơn 1.000 tấn.

Lý do của tình trạng này là củ cải trắng thuộc sản phẩm nông sản mang lại kinh tế cao nên trong vài năm trở lại đây, diện tích trồng liên tục được mở rộng, sản lượng ngày càng tăng. Trong khi đó, từ sau Tết Nguyên đán năm nay sức mua thấp, người dân không nhổ bán chờ tăng giá nhưng cả tháng giá không tăng mà còn giảm liên tục nên lượng củ cải dư thừa lớn.

Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, ông Vũ Vinh Phú - nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại (nay là Sở Công Thương) Hà Nội cho rằng, nguyên nhân của những cuộc giải cứu chính là sự thiếu tính quy hoạch trong sản xuất, người dân mạnh ai nấy trồng theo phong trào nên cung vượt cầu, dẫn đến bị thương lái ép giá. Bên cạnh đó, tính liên kết của người dân, doanh nghiệp rất yếu để có thể đưa nông sản vào các cửa hàng, siêu thị.

Ông nhận định Việt Nam yếu hẳn về kế hoạch, công nghệ dự trữ, chế biến sâu cho nông sản. Những loại hoa quả, rau củ này hoàn toàn có thể chế biến sâu thành các sản phẩm giá trị cao. Như “ở Đức có kho lúa, kho bắp cải… hàng nghìn tấn được chính phủ xây dựng để người nông dân có thể gửi vào đó để bảo quản miễn phí. Trong khi đó, tại Việt Nam lúa thu hoạch lên để bên vệ ruộng, cá vớt lên mấy tiếng là ươn”, ông Phú nói.

Do đó, ông Phú cho rằng câu chuyện kêu gọi người dân, doanh nghiệp mua ủng hộ người dân ở mỗi cuộc “giải cứu” chỉ là giải pháp tình thế.

Về lâu dài, ông Phú cho rằng cần định hướng rõ ràng cho người dân loại cây trồng chủ lực, tín hiệu thị trường đang cần mặt hàng nào, số lượng, quy chuẩn chất lượng ra sao, thời điểm cần thiết thế nào; đồng thời quy hoạch, xây dựng vùng trồng hợp lý. Ví dụ như Hàn Quốc, phụ nữ trồng khoai lang còn biết ngày hôm đó bán khoai ở đâu tốt nhất, giá cao nhất, bởi họ có sàn giao dịch nông sản.

Cũng theo ông Phú, không riêng câu chuyện giải cứu củ cải, tất cả loại nông sản đều cần được tính toán tới việc xây dựng quy trình bảo quản và chuỗi chế biến. “Thời chúng tôi chắc ai cũng nhớ món cà la thầu su hào đóng hộp của Trung Quốc, giòn ngon vô cùng. Vậy tại sao chúng ta không chế biến những sản phẩm tương tự từ củ cải”, ông Phú nêu.

Theo Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung, người nông dân cần có kiến thức thị trường và quan trọng hơn là cần sự tư vấn, hỗ trợ của các sở ngành, thành phố.

Ông Chung cũng giao Sở Công Thương, Sở NN-PTNN mời các hệ thống bán lẻ, các doanh nghiệp họp bàn kết nối các sản phẩm nông nghiệp cho thành phố; đa dạng sản phẩm; xây dựng kế hoạch đào tạo cho người nông dân kiến thức thị trường, xây dựng thương hiệu và đưa thành chương trình hỗ trợ nông dân, các hộ kinh doanh cá thể. Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cũng gợi ý xây dựng mô hình du lịch gắn với các vùng trồng rau và hoa.

Bên cạnh đó, giao Sở TN-MT và Sở Quy hoạch - Kiến trúc cần khảo sát nhanh chóng để thành phố khẩn trương xây dựng chợ đầu mối rau, hoa tại Mê Linh. Sở Công Thương phải hỗ trợ người dân xây dựng thương hiệu, xuất xứ nguồn gốc ngay từ bây giờ…

Theo Lam Thanh/motthegioi.vn - 21/3/2018

Link nguồn: http://motthegioi.vn/kinh-te-c-67/mua-cu-cai-kieu-tu-thien-de-giai-cuu-nong-dan-chi-la-giai-phap-tinh-the-84303.html


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

metro-sai-gon

bia-kndn

hoa-moc-thien

moc-beauty

miss-charm

Google Plus WSHOWBIZ.COM
buy dnp