Sau lùm xùm giá tại Indonesia, xuất khẩu gạo Việt Nam nửa cuối năm còn có cơ hội bật tăng? |
Câu chuyện khiếu kiện ở Indonesia với hai cáo buộc liên quan đến việc thổi giá gạo Việt Nam, đặt ra câu hỏi cho cơ hội xuất khẩu gạo Việt nửa cuối năm. Cơ hội vẫn còn lớn, là ý kiến của đa số các doanh nghiệp. Gạo Việt được bán ở siệu thị tại Pháp - Ảnh: L.HƯƠNG Mới đây, số liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, xuất khẩu gạo nửa đầu tháng 7 tăng 17% về lượng và 30% về giá trị so với cùng kỳ. Kết quả này đặt ra trong thời điểm lùm xùm về giá gạo tại Indonesia, cơ hội gạo Việt xuất khẩu những tháng cuối năm ra sao là vấn đề được nhiều doanh nghiệp quan tâm. Ngày 25-7, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại diện lãnh đạo một tập đoàn xuất khẩu gạo lớn ở Việt Nam cho rằng: Cơ quan hậu cần quốc gia - Bulog (cơ quan được phân giao thu mua gạo thầu quốc tế của Chính phủ) và Cơ quan lương thực quốc gia Indonesia bị khiếu kiện, xuất khẩu gạo Việt Nam đến cuối năm sang thị trường Indonesia có khả năng sẽ bất lợi. Tuy nhiên - tiềm năng còn nhiều ở thị trường truyền thống, thị trường mới nổi nên cơ hội còn rất lớn. "Indonesia là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của gạo Việt Nam trong gần nửa năm nay. Năm 2023 - Việt Nam xuất sang thị trường này 1,18 triệu tấn gạo nhưng hiện vẫn thiếu hụt nguồn cung trong nước. Dự báo nhu cầu nhập gạo năm nay sẽ tăng lên 5,18 triệu tấn trong cả năm 2024 thay vì 3,6 triệu tấn như tính toán hồi đầu năm. Dù có những lùm xùm đáng tiếc, gạo Việt vẫn có cơ hội", vị này cho hay. Ngoài ra - theo ông Nguyễn Văn Hưng, đơn vị trung gian thu mua gạo cho "bạn hàng" Philippines cho hay: "Quốc gia này cũng tăng lượng gạo nhập khẩu năm 2024, có thể đạt tới trên 4 triệu tấn, thậm chí tới 4,5 triệu tấn, cao hơn con số dự báo trước đây. Philippines gia tăng nhập khẩu gạo, đồng nghĩa với việc các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam sẽ có thêm cơ hội tăng sản lượng xuất khẩu trong nửa cuối năm 2024, trong khi ở đây gạo Việt Nam chiếm tới 85% thị phần gạo nhập khẩu. Trước đây - trung bình mỗi tháng Philippines phải nhập khẩu 350.000 tấn gạo, thì nay phải tăng lên tới 400.000 tấn mới đáp ứng đủ nhu cầu". Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cách đây 2 ngày, ngày 23- 7 - giá gạo xuất khẩu loại 100% tấm ở mức 448 USD/tấn, giảm 12 USD/tấn; gạo tiêu chuẩn 5% tấm giữ vững ở mức 559 USD/tấn, giảm 1 USD; gạo 25% tấm ở mức 537 USD/tấn. Giá gạo xuất khẩu dù thấp hơn mức giá hồi đầu năm, nhưng so với cùng kỳ năm ngoái vẫn tăng khoảng 30 - 35%. "Tuy nhiên - Ấn Độ đang xem xét nới lỏng xuất khẩu gạo nhằm mang lại lợi ích cho người mua thế giới; giá gạo chuẩn ở châu Á sẽ hạ nhiệt. Các doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo Việt Nam cũng chuyển hướng mở rộng sang các thị trường mới như châu Phi và Trung Đông", VFA nhận định, Thị trường chủ lực mua gạo Việt trong những tháng cuối năm vẫn là Philippines, Indonesia, Trung Quốc, Ghana, Malaysia, Singapore... Theo các doanh nghiệp so với các nguồn cung khác thì Việt Nam có lợi thế về địa lý nên cước phí vận chuyển thấp, thời gian giao hàng ngắn; chất lượng và giá gạo Việt Nam rất phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của thị trường nên cơ hội bật tăng nhìn chung không khó. Giá xuất khẩu gạo tăng cao, đạt 612,3 USD/tấn Theo Tổng cục Hải quan, giá xuất khẩu gạo bình quân nửa đầu tháng 7 tăng 12% so với cùng kỳ, đạt 612,3 USD/tấn. Nửa đầu tháng 7, Việt Nam xuất khẩu hơn 290.000 tấn gạo với giá trị 177 triệu USD, tăng lần lượt 15% về lượng và 30% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Giá xuất khẩu gạo bình quân cũng tăng 12% so với cùng kỳ, đạt 612,3 USD/tấn. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến đầu tháng 7, các địa phương thu hoạch được khoảng 388.000ha trên 1,46 triệu ha đã xuống giống vụ hè thu, năng suất ước đạt 6,2 tấn/ha. Nguồn cung dồi dào luôn là trợ lực thúc đẩy hoạt động xuất khẩu gạo trong thời gian tới. Bộ này dự kiến sản xuất lúa cả nước năm 2024 sẽ đạt 43 triệu tấn, đảm bảo nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu khoảng 8 triệu tấn, có thể thu về hơn 5 tỉ USD. (nguồn: tuoitre.vn) Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
|