top-banner-miss-charm-2023

Giải trí Thứ ba, 14/05/2024, 15:27 GMT+7
Nhạc sĩ Hoài An kể chuyện sáng tác ca khúc Chuyện thành Cổ Loa chỉ trong một đêm

Trong tập 84 chương trình Kính Đa Chiều, nhạc sĩ Võ Hoài An tiết lộ cảm hứng sáng tác ca khúc Chuyện thành Cổ Loa từ quyển sách Việt Nam sử lược của tác giả Trần Trọng Kim.

nhac-si-hoai-an-ke-chuyen-sang-tac-ca-khuc-chuyen-thanh-co-loa-chi-trong-mot-dem-showbiz5 

Nhạc sĩ Hoài An không chỉ sở hữu loạt ca khúc hit dành cho giới trẻ như Tình thơ, Tình khúc vàng,… mà anh còn có một “gia tài” nhạc sử ca đồ sộ như Trương Chi – Mỵ Nương, Tiếng trống Mê Linh (Hai Bà Trưng), Ngọn cờ lau (Đinh Bộ Lĩnh),… Trong đó, không thể không kể đến ca khúc Chuyện thành Cổ Loa của nam nhạc sĩ khi viết về chuyện tình bi thương của Mỵ Châu và Trọng Thủy.

nhac-si-hoai-an-ke-chuyen-sang-tac-ca-khuc-chuyen-thanh-co-loa-chi-trong-mot-dem-showbiz2

Tiết lộ cảm hứng sáng tác đề tài lịch sử, nhạc sĩ Hoài An cho biết ba anh - nhà giáo Võ Đại Mau đã truyền tình yêu sử Việt cho anh. Ba của nhạc sĩ Hoài An vốn là giáo viên dạy toán nhưng từng có vài năm kinh nghiệm dạy văn, do đó khắp nhà của anh không có gì ngoài sách. Từ nhỏ, nam nhạc sĩ đã say mê những quyển sách chính sử cho đến huyền sử. Với niềm yêu thích sử Việt cùng lời căn dặn của ba, nhạc sĩ Hoài An đã sáng tác ra nhiều ca khúc khơi dậy tinh thần hào hùng với đề tài lịch sử.

Ca khúc Chuyện thành Cổ Loa được nam nhạc sĩ viết vào năm 2001. Khi ấy, nhạc sĩ Hoài An về nhà vào tối muộn thì phát hiện quyển sách Việt Nam sử lược của tác giả Trần Trọng Kim mà ba anh để trên tủ. Khi nam nhạc sĩ đọc những dòng mà ba anh gạch chân trong sách liền cảm thấy xúc động và quyết định sáng tác ngay ca khúc sử Việt đầu tay trong đêm. “Đó là chủ quan vô ý chí vì tôi chưa làm nhưng nghĩ rằng tôi sẽ cố gắng làm xong trong đêm đó. Kết quả là từ 1 giờ đến 5 giờ sáng thì tôi đã viết xong ba phần của bài Chuyện thành Cổ Loa. Viết xong thì tôi không sửa chữ nào cả”, nam nhạc sĩ chia sẻ.

Nhạc sĩ Hoài An cho biết thời điểm sáng tác ca khúc này, anh còn ở trong căn nhà cũ chật hẹp. Nhớ lại giây phút ấy, nam nhạc sĩ vẫn nhớ như in khoảnh khắc ba anh ngủ trên giường xếp trong khi anh ngồi trên ghế xếp kế bên. Khi nam nhạc sĩ định lấy đàn điện để sáng tác giai điệu nhưng vì ồn nên quyết định không sử dụng nhạc cụ này. Nhạc sĩ Hoài An cho biết đây là quyết định sáng suốt vì giúp anh tập trung vào giai điệu ca khúc nhiều hơn. Cứ mải mê như thế đến gần sáng thì nhạc sĩ Hoài An đã hoàn thành bài hát này.

nhac-si-hoai-an-ke-chuyen-sang-tac-ca-khuc-chuyen-thanh-co-loa-chi-trong-mot-dem-showbiz3

Ngoài ra, việc chuyển đổi các sự kiện lịch sử thành những tác phẩm âm nhạc lôi cuốn không hề dễ dàng. Nếu như các ca khúc bình thường có thời lượng khoảng 2 phút thì Chuyện thành Cổ Loa mất khoảng 10 phút cho một lần hát không lặp lại, tương đương 4 – 5 bài hát bình thường.

Bên cạnh đó, để viết những ca khúc sử Việt đòi hỏi sự nhạy cảm và cẩn trọng. Nam nhạc sĩ phải nghiên cứu kỹ lưỡng các tài liệu lịch sử và thi thoảng tự suy luận để đảm bảo thông tin chính xác. Nhạc sĩ Hoài An cho biết: “Khó ở chỗ phần lời liên quan đến sử rất nhạy cảm. Khi đọc, tôi đối chiếu nhiều tác phẩm sử đang được xuất bản, lưu hành. Chi tiết nào có khả năng gây tranh cãi hay chưa được xác định rõ ràng thì tôi sẽ tìm cách né bớt. Còn một số chi tiết thì tôi phải tự suy luận”.

Nam nhạc sĩ lấy ví dụ trong ca khúc Chuyện thành Cổ Loa, ban đầu anh viết rằng: “Nàng tên Mỵ Châu, công chúa người Âu Lạc, tuổi vừa đôi chín, ngoan rất ngoan, xinh thật xinh”. Sở dĩ nam nhạc sĩ viết như vậy vì cụm từ “xinh thật xinh” ăn vần với cụm “tuổi vừa đôi chín”. Nhưng sau khi viết xong, ngẫm nghĩ lại, nhạc sĩ Hoài An cho rằng đôi chín (18 tuổi) so với ngày xưa đã lớn rồi. Vì con gái 18 tuổi lập gia đình ở thời trước có nghĩa quá trễ nên nhạc sĩ Hoài An đã sửa lại lời bài hát từ “đôi chín” thành “đôi tám” (16 tuổi). Nam nhạc sĩ giải thích vì thời điểm ấy không ai biết Mỵ Châu thành hôn vào năm bao nhiêu tuổi. Nhạc sĩ Hoài An chọn tuổi 16 trăng tròn vì phù hợp với bối cảnh câu chuyện tình yêu của hai người. Anh cho rằng độ tuổi này còn trẻ nên chưa hiểu biết về hành động của mình, đến khi nhận ra sự thật thì hối hận đã muộn màng. “Truyền thuyết được lưu lại nhưng chi tiết đó không ai đề cập thì tôi có thể chỉnh một chút theo tình cảm mà tôi đặt ra cho câu chuyện”, nhạc sĩ Hoài An bộc bạch.

nhac-si-hoai-an-ke-chuyen-sang-tac-ca-khuc-chuyen-thanh-co-loa-chi-trong-mot-dem-showbiz4

Host Minh Đức đồng tình và lấy dẫn chứng từ vở kịch về Ngọc Hân công chúa của tác giả Lưu Quang Vũ. Trong đó, chi tiết vua Quang Trung – Nguyễn Huệ sau khi giành chiến thắng ở Thăng Long đã sai người cầm một cành đào đi ngựa từ Thăng Long về Phú Xuân để tặng công chúa Ngọc Hân cũng chỉ là chưa được xác minh có thật hay không.

Bên cạnh bài hát về truyền thuyết Mỵ Châu – Trọng Thủy, nhạc sĩ Hoài An còn sáng tác nhiều ca khúc về cột mốc son trong lịch sử nước nhà như sự kiện 3 lần chiến thắng quân Nguyên Mông của nhà Trần. Với chủ đề này, nam nhạc sĩ sáng tác ca khúc Hào khí Thăng Long, Bạch Đằng Giang, Đức Thánh Trần,… Trong đó, ca khúc Tinh thần Đông A được nam nhạc sĩ lấy cảm hứng từ tinh thần luyện võ cường thân, bảo vệ gia đình, tổ quốc của nhà Trần. Vì vậy, nam nhạc sĩ sử dụng nhiều từ ngữ liên quan võ thuật như quyền cước hay đưa chi tiết về ngũ hành (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ) vào trong ca khúc này. Như vậy, với cùng một chủ đề, nhạc sĩ Hoài An có thể sáng tác nhiều bài hát khác nhau mà không “đóng khung” trong một đề tài.

Nhạc Hoài An tiết lộ thêm, em trai của anh là nhạc sĩ Võ Hoài Phúc cũng viết ca khúc sử Việt về công chúa An Tư. Hoài An bật mí anh cũng dành tình cảm sâu sắc về câu chuyện này, trong tương lai nếu có thêm cảm xúc thì anh sẽ sáng tác thêm về chủ đề này. Có thể nói, lịch sử là đề tài giàu tiềm năng để khai thác nhưng cũng ẩn chứa nhiều thách thức đối với nhạc sĩ. Bằng sự nỗ lực của bản thân, nhạc sĩ Võ Hoài An đã truyền tải nhiều giá trị lịch sử quý giá đến gần với khán giả đại chúng qua những ca khúc hào hùng, đi vào lòng người.

nhac-si-hoai-an-ke-chuyen-sang-tac-ca-khuc-chuyen-thanh-co-loa-chi-trong-mot-dem-showbiz

Kính Đa Chiều là chương trình talkshow sở hữu format mới lạ và đầy hấp dẫn. Mỗi tập phát sóng của Kính Đa Chiều sẽ cùng bàn luận, đối thoại về một chủ đề hoặc một sự kiện đang được quan tâm xoay quanh những câu chuyện về văn hóa. Các khách mời đến với chương trình đều là những nghệ sĩ nổi tiếng, được khán giả mến mộ. Chương trình hứa hẹn mang đến cái nhìn đa chiều thông qua những cuộc đối thoại sâu sắc, thảo luận và chia sẻ quan điểm dưới góc nhìn của người trong cuộc.

Kính Đa Chiều – chủ đề tiếp theo Chọn huấn luyện viên bóng đá với sự tham gia của host Lê Hoàng và cựu danh thủ Hồng Sơn sẽ được phát sóng vào lúc 20h ngày 14/5 trên kênh VTV9. Chương trình do VTV9 phối hợp cùng Jet Studio thực hiện.

 

Hà Phương

*Theo Ấn phẩm Lăng kính Người nổi tiếng


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

metro-sai-gon

kndn

bhql2024

moc-beauty

hoa-moc-thien

Google Plus WSHOWBIZ.COM
buy dnp