Hoa quả nào ngừa giun sán? |
Giun sán là căn bệnh thường xuất hiện ở người, là thủ phạm gây lên tình trạng thiếu máu, thiếu chất, áp xe gan, xuất huyết, viêm đường mật... nguy cơ có thể dẫn đến tử vong. Trong thực phẩm, hoa quả cũng là giải pháp giúp bạn ngăn ngừa. Ngoài yếu tố vệ sinh không sạch sẽ, thì việc tiêu thụ các loại thực phẩm có nhiễm ký sinh trùng cũng là nguyên nhân dẫn đến tỉ lệ mắc bệnh cao. Theo báo cáo tổng hợp điều tra từ năm 2006 đến năm 2010 của Viện Sốt rét ký sinh trùng Trung ương, tại đồng bằng sông Hồng, tỉ lệ người mắc giun chiếm hơn 58%; trung du và miền núi phía Bắc khoảng hơn 65%; đồng bằng sông Cửu Long khoảng 12-14%. Vậy làm thế nào để hạn chế chúng, chúng ta hãy cùng tham khảo một số cách điều trị từ hoa quả sau đây. Đu đủ
Đu đủ nhiều vitamin A, C và E và các khoáng chất khác cần thiết cho cơ thể. Nhiều nghiên cứu cho rằng, nhựa đu đủ có chứa men papain có thể dùng để điều chế thành thuốc trị giun sán như giun đũa, giun kim, sán lợn. Tuy nhiên loại thuốc này chống chỉ định cho người bị chứng đau dạ dày. Trong điều trị giun kim, có thể ăn đu đủ chín vào buổi sáng lúc đói, ăn liên tục 3-5 ngày, sẽ khỏi. Bí ngô
Hạt bí ngô có chứa các a-xít amin, dầu béo, carbohydrate, vitamin và khoáng chất cũng được dùng để làm thuốc trị giun sán rất hiệu quả. Bằng cách bóc lớp vỏ cứng của hạt, giữ lại lớp màng xanh ở trong. Người lớn dùng thì lấy khoảng 150-300g nhân, giã nhỏ, thêm 50-100g mật ong trộn đều rồi dùng. Còn với trẻ nhỏ 3-4 tuổi ăn 30-50g nhân hạt, 7 - 10 tuổi dùng 100-150g. Khuyến khích dùng khi đói, rồi nằm nghỉ. Hạt bí ngô tươi sẽ hiệu quả hơn hạt bí ngô khô. Khi có dấu hiệu đi ngoài, các bác sĩ khuyên rằng bạn nên sử dụng bô chứa nước ấm, nhúng cả phần mông vào nước để giun sán bò ra hiệu quả hơn. Hạt cau Để đạt hiệu quả cao hơn trong việc điều trị giun sán, bạn có thể kết hợp phương pháp hạt bí ngô với hạt cau. Do hạt cau chứa các alkaloid arecolin tác động trực tiếp tới thần kinh con sán, gây tê liệt các cơ trơn của chúng, và làm cho chúng không bám vào thành ruột được mà bị tống ra ngoài. Vì vậy sau 2 giờ uống hạt bí ngô thì uống nước sắc hạt cau với lượng 30g đối với trẻ em từ 10 tuổi trở xuống, với phụ nữ và đàn ông bé nhỏ, dùng 50 - 60g, người lớn 80g. Cho hạt cau vào sắc với 500ml nước. Sắc còn 150ml, gạn lấy nước. Gạn, lọc và uống phần nước trong. Sau khi uống nước hạt cau 30 phút thì uống liều thuốc tẩy với 30g magnesi sulfat. Nằm nghỉ, khi muốn đi ngoài thì cũng tiến hành theo cách các bác sĩ chỉ ở trên. Dược sĩ Nguyễn Thị Sáu, Trưởng khoa Dược, Bệnh viện Y học cổ truyền viện (YHCT) Quảng Nam cho biết: “Hạt bí ngô khi được phối hợp nước sắc hạt cau sẽ làm tê liệt khúc giữa và đuôi con sán. Uống vào lúc sáng sớm, trong tình trạng bụng đói, giun sán trong bụng bệnh nhi sẽ được đẩy ra ngoài”. Cây keo Hạt keo chứa 12-14% chất nhầy, chất đường, prôtit, chất béo và chất leuxenola, có tính chất amino phenolic. Thời thuộc pháp, hạt keo có được thí nghiệm dùng trị giun đũa ở bệnh viện đồng Thủy (cơ sở của bện viện 108 hiện nay) kết quả thấy có tác dụng trị giun với liều lương 50g một ngày. Trong đông y, hạt keo điều trị giun đũa bằng cách rang hạt keo cho đến khi nở, rồi tán bột, nấu nước uống. Đối với người lớn, có thể uống tới 25-50g vào buổi sáng lúc đói, uống liền 3 buổi sáng. Trẻ em 3-5 tuổi uống 5g một ngày, uống liền 3 ngày; 6-10 tuổi 7g một ngày. Cây sử quân tử Cây sử quân tử có tên khoa học là Quisqualis indica L, trong dân gian còn gọi là cây quả giun, dây giun, quả nấc, có tác dụng tẩy được giun đũa. Nghiền thành bột hạt quả sử quân, cho trẻ em uống từ 5-10 g, người lớn uống từ 10-20 g. Uống liên tục trong 3 ngày vào buổi sáng. Mướp Mướp chứa nhiều dưỡng chất như chất xơ, vitamin C, riboflavin, đồng, thiamin, sắt và magiê. Đông y cho rằng mướp có vị ngọt, tính bình, không độc, bổ tỳ lợi thủy, giải độc sát trùng. Trong điều trị giun sán: Dùng 40-50 hạt mướp, trẻ em cần giảm liều, bỏ vỏ để lấy nhân ăn lúc đói hoặc giã nát rồi uống chung với nước, mỗi ngày 1 lần, dùng trong ba ngày liên tục. Trâm bầu Nếu bạn ở nông thôn, hẳn sẽ không xa lạ gì với quả cây này. Quả trâm cũng được cho là có tác dụng chữa giun đũa rất hiệu quả. Quả trâm bầu với lá mơ tam thể, lượng bằng nhau, thái nhỏ, trộn đều, thêm bột vào làm bánh, hấp lên, ăn vào sáng sớm lúc đói là phương pháp trị giun đơn giản, dễ thực hiện. Xuân An (Showbiz.net.vn)
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
|