Thịt bò của người Mông vào siêu thị |
Sau gần 2 năm triển khai đề án "Xây dựng kênh sản xuất thịt bò Mông Cao Bằng", hàng chục tấn thịt bò của đồng bào dân tộc Mông đã "thâm nhập" được vào các siêu thị lớn của Hà Nội. Đủ sức cạnh tranh với thịt bò Kobe Là khách hàng quen thuộc của siêu thị BigC, chị Hoàng Thị Chuyền ở Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết: "Gần 1 năm trở lại đây, mỗi lần đi siêu thị, tôi đều chọn mua thịt bò Mông, bởi chất lượng thịt tốt, có màu sắc đỏ tươi rất bắt mắt, khi xào lại không ra nước, ăn mềm và ngọt sắc". Hiện tại, giá thịt bò Mông khá bình dân, chỉ 160.000 đồng/kg (tại siêu thị), trong khi giá thịt bò ngoại ở siêu thị lên tới 550.000 đồng/kg. Ông Mạ Văn Sinh, ở xóm Lũng Giàng, xã Vần Dính, huyện Hà Quảng (Cao Bằng), một người nuôi bò Mông đã nhiều năm cho biết: "Bò Mông có trọng lượng lớn khoảng 600kg với u trên lưng to nên còn được người dân địa phương gọi là bò u. Bò nuôi theo hình thức nhốt chuồng, thức ăn sử dụng cho bò chủ yếu cây rừng, cỏ, ngô và bỗng rượu ngô. Trước đây, bò chủ yếu được nuôi để làm sức kéo". Do chỉ nuôi bò làm sức kéo, nên việc khai thác thịt đối với bò Mông bị bỏ bẵng một thời gian. Tuy nhiên, gần đây được sự hỗ trợ của một dự án, bước đầu đã có doanh nghiệp đứng ra triển khai xây dựng mã số truy xuất nguồn gốc cho 517 hộ chăn nuôi ở 9 xã của huyện Hà Quảng để đưa thịt bò vào siêu thị. Bà Lê Thị Thanh - Giám đốc Công ty TNHH Lê Thanh, doanh nghiệp cung ứng sản phẩm này cho biết: "Trung bình, mỗi tháng chúng tôi xuất khoảng 7 tấn thịt bò Mông ra thị trường và tính đến tháng 4, đã có hơn 300 con bò Mông với 21.400 tấn thịt được đưa vào hệ thống siêu thị của Hà Nội như: BigC, Rural Food và nhiều nhà hàng, khách sạn khác. Tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển vào thị trường miền Trung, miền Nam và tiến tới xuất khẩu". Thịt bò Mông được kiểm soát chặt chẽ trước khi đưa vào siêu thị Thành công nhờ sản xuất theo chuỗi Ông Lương Văn Sinh ở thôn Liêu Hạ, xã Hồng Sĩ (huyện Hà Quảng) cho biết: "Để bán được bò với giá cao, những hộ chăn nuôi như chúng tôi phải tham gia vào Hội Chăn nuôi và tiêu thụ thịt bò Cao Bằng. Khi đó, mỗi hộ chăn nuôi sẽ được điều tra, đánh giá có đúng đang nuôi bò Mông không, rồi mới được gắn mã số truy xuất nguồn gốc vào từng con bò và được cấp giấy chứng nhận nuôi bò theo đúng quy trình kỹ thuật". Thực tế cho thấy, thành công của thương hiệu thịt bò Mông là, đã xây dựng được chuỗi giá trị sản xuất với sự liên hệ chặt chẽ tham gia của "5 nhà" (nông dân, doanh nghiệp, Nhà nước, nhà khoa học và cả nhà tài trợ). Từ đó, sản phẩm thịt bò Mông đã xây dựng được thương hiệu và cả hệ thống truy xuất nguồn gốc, làm thay đổi thực hành sản xuất và minh bạch trong nguồn gốc sản phẩm. Ông Hoàng Xuân Trường - người trực tiếp tham gia tư vấn cho dự án này, nói: "Hiện các nhà hàng, siêu thị lớn và hệ thống phân phối Rural Food - những đơn vị đang kinh doanh sản phẩm thịt bò Mông đều đưa ra các quy định về thú y, an toàn thực phẩm rất khắt khe. Chỉ cần chất lượng một sản phẩm đơn lẻ khi kiểm tra không đảm bảo sẽ truy xuất ngay được tận nguồn gốc của từng sản phẩm bởi mỗi con bò của hộ dân đều có mã số". Đến tháng 3 vừa qua, "Thịt bò Mông Cao Bằng" đã chính thức được công nhận nhãn hiệu tập thể. TS Đào Thế Anh- Giám đốc Trung tâm Kinh tế nông nghiệp (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) cho biết: "Thịt bò Mông được tiến hành sản xuất theo chuỗi, nên đã đảm bảo được chất lượng sản phẩm đến tay người tiêu dùng và hoàn toàn có thể cạnh tranh với các sản phẩm thịt bò ngoại nhập, kể cả thịt bò Kobe". Sau 18 tháng triển khai mô hình sản xuất, chế biến, phân phối bò Mông, đã có 517 hộ và 3 trang trại tham gia với 1.500 nhân khẩu được hưởng lợi, giá trị của bò Mông đã tăng cao hơn từ 15-20%. Phương Vy (Theo Dân Việt) Tin mới hơn:
|