Không riêng gì nhãn hàng Ensure, hàng chục nhãn hiệu sữa ngoại dạng hàng “xách tay” đang được bày bán tràn lan trên thị trường với chất lượng, xuất xứ không rõ ràng, rất có khả năng gây hại đến sức khỏe người tiêu dùng.
Chỉ trong thời gian ngắn, Chi cục quản lý thị trường (QLTT) các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi… đã bắt giữ hàng ngàn sản phẩm sữa “xách tay” giả nhãn hiệu, không rõ nguồn gốc. Cụ thể ngày 5/6, Đội trưởng Đội QLTT số 1 Chi cục QLTT tỉnh Quảng Ngãi đã tạm giữ gần 1.000 hộp sữa giả mang nhãn hiệu Ensure được bày bán tại TP.Quảng Ngãi. Nguyên do chủ hàng không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Đồng thời, khi kiểm tra nơi xuất hàng, cơ quan chức năng đã bắt quả tang doanh nghiệp này đang tổ chức thay đổi nhãn mác, nhằm lừa đảo khách hàng.
Cơ quan chức năng bắt quả tang sữa "xách tay" đang được thay nhãn mới
Ngày 9/6, PV khảo sát khu vực chỉ khoảng 500m trên đường Nguyễn Thông, quận 3, với gần chục cửa hàng sữa. Tại đây, cửa hàng nào cũng có bán sữa xách tay, đặc biệt có nơi bày bán loại hàng này nhiều hơn sữa nhập chính ngạch và sản xuất trong nước. Bà Bích Vân, chủ một cửa hàng nơi đây cho biết, sữa “xách tay” phần lớn là sữa Ensure dạng bột và nước đóng lon của Abbott được đưa về từ Mỹ hoặc Singapore. Lý do được bà giải thích là do loại hàng này bán chạy, giá rẻ hơn hàng phân phối từ công ty khoảng 8.000-10.000đồng/chai. Theo bà Vân, mỗi ngày có rất nhiều nhân viên tiếp thị sữa Ensure nước ở Chợ Lớn đến chào hàng cho các đại lý ở khu vực này. Hiện sữa Ensure nước còn được bán ở những quán cóc lề đường, muốn mua bao nhiêu cũng có. PV thử ghé vào nhiều tiệm tạp hóa dọc các tuyến đường Cống Quỳnh (quận 1), Ngô Quyền (quận 5), Cách Mạng Tháng Tám (quận Tân Bình), Hậu Giang, Chợ Tây (quận 6)… nhận thấy, không khí bán buôn loại sữa này cực kỳ sôi động, nhất là sản phẩm sữa nước uống liền loại 250ml giá bán 48.000 đồng/lon và hộp Ensure bột giá 250.000 đồng/hộp 397g. Chị Thu Hồng, khách mua hàng tại tiệm tạp hóa Minh Hưng, trên đường Ngô Quyền, cầm trên tay 5 hộp sữa nước Ensure cho biết: “Tôi mua sữa này để thăm bệnh. Giá 5 hộp chỉ có 240.000 đồng, vừa hợp lý lại được tiếng tặng quà tốt”. Sữa Ensure có nhãn xanh nước biển và sữa ProSure màu tím đậm đang rất được người tiêu dùng ưa chuộng. Tuy nhiên, thông tin ghi trên nhãn các loại sữa này hoàn toàn bằng tiếng Anh, không có nhãn phụ hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt. Nhiều người bán không ngại cho biết, sản phẩm được “xách tay” từ Mỹ do chính hãng Abbott sản xuất tại Mỹ.
Sữa "xách tay" tràn đầy các nơi
Không chỉ các cửa hàng chuyên doanh và các tiệm tạp hóa, những sản phẩm trên còn được mua bán qua mạng Internet. Tìm kiếm trên Google với từ khóa “sữa ngoại xách tay”, công cụ này cho ra hơn 3,8 triệu kết quả với hàng loạt sản phẩm “xách tay” đủ nhãn hiệu, xuất xứ. Thậm chí, có hẳn một trang web tên suaxachtay... bày bán đủ các loại sữa của Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ như: XO, Similac, Wakodo… không thể kiểm chứng. Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường 3A, Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM thừa nhận, thực trạng sữa ngoại nhập lậu trên TP đang diễn ra rất nghiêm trọng. Tuy nhiên, hầu hết các đối tượng buôn lậu đều tìm cách xé lẻ, chia nhỏ hàng bán cho người tiêu dùng, nên cơ quan chức năng rất khó kiểm tra, bắt giữ. Ông Đỗ Thái Vương, Văn phòng đại diện Abbott cho rằng, toàn bộ sản phẩm sữa nhập khẩu đều có dán nhãn phụ tiếng Việt. Trong khi hàng “xách tay” phần lớn là hàng nhập lậu, được các đầu nậu ở nước ngoài, chủ yếu là Mỹ thu gom từ các cơ sở từ thiện, viện dưỡng lão… những sản phẩm dùng không hết, hay quá date tập trung lại rồi đóng hàng gửi về Việt Nam bằng cách kẹp theo các container đủ loại hàng hóa đi theo đường biển hàng tháng trời. Sau khi lọt vào nội địa, chúng được thay mác, đổi nhãn xóa hết thông tin gốc của sản phẩm, tung ra bán cho người tiêu dùng. Do đó, chất lượng của chúng không an toàn.
Những sản phẩm cho tặng, hết date như thế này được thay nhãn mới
Hiện nay, trên thị trường Việt Nam, Abbott chỉ cung cấp SP Ensure lon thiếc 250ml sản xuất tại Hà Lan với ba hương vị vani, sôcôla và dâu; cùng với SP Ensure Gold Vigor chai nhựa 237ml sản xuất tại Hoa Kỳ.
Thực trạng trên cho thấy, tình hình kinh doanh sữa “xách tay” nhập lậu trên cả nước đang diễn ra khá rầm rộ và công khai. Thế nhưng, vấn đề kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng chưa thật sự rốt ráo. Các vụ bắt giữ vừa qua, cũng chỉ là bề nổi của tảng băng chìm, những đối tượng kinh doanh sữa giả, sữa kém chất lượng sẽ còn nhiều cơ hội trục lợi.
(Theo Infonet)
|