Thực phẩm bẩn là 'kẻ thù' của nhiều bệnh ung thư |
Mới đây, trong phát ngôn của mình, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã khẳng định: "Nói một năm chết 70.000 người và phát hiện thêm 200.000 ca ung thư nguyên nhân do thực phẩm bẩn là không chính xác mà nguyên nhân là bệnh nhiễm trùng cấp tính và mãn tính". Điều này làm dấy lên nghi ngờ vậy đâu mới là thủ phạm chính gây ra "vấn nạn" ung thư của toàn cầu? Chia sẻ với phóng viên, GS.TS Nguyễn Bá Đức - Phó chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam cho rằng đa số các bệnh nhân nhiễm ung thư lại do môi trường, trong đó thực phẩm bẩn chiếm hàng đầu vì nó chứa các chất độc hại gây ra sự đột biến tế bào ở con người. "Thực phẩm bẩn là quốc nạn của Việt Nam. Đó chính là nguyên nhân lớn dẫn đến tình trạng ung thư gia tăng như hiện nay. Đó cũng là một trong những lý do khiến các tế bào ung thư sinh sôi, nảy nở, đột biến tế bào mới dẫn đến nhiễm trùng cấp và mãn tính, kể cả những thói quen ăn uống xấu của đại đa số người dân cũng dẫn tới việc gia tăng ung thư". Thực phẩm bẩn bao gồm rau củ có dư lượng thuốc bảo quản thực vật, lợn có chất tăng trọng, chất tạo nạc, các chất kích thích,… khiến nhiều người mắc ung thư. Thực phẩm bẩn khi được đưa vào cơ thể ban đầu có thể gây các phản ứng tức thời như: ngộ độc, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy. Về lâu dài có thể gây các bệnh mạn tính, đột biến gen, ung thư… dẫn tới tử vong. Ngoài ra, những thực phẩm lên men, chế biến sẵn tồn dư nhiều chất bảo quản như thịt, dưa, cà muối, thịt hun khói, xúc xích, xì dầu… cũng là nguyên nhân dẫn tới căn bệnh chết người này. Rất ít bệnh nhân ung thư được chẩn đoán và điều trị sớm, hầu hết ở giai đoạn muộn, di căn và biến chứng. Do đó, việc điều trị gặp nhiều khó khăn, chi phí điều trị tăng cao. Theo GS Nguyễn Bá Đức – nguyên Giám đốc Bệnh viện K Hà Nội, 80% nguyên nhân gây ung thư là do ngoại sinh trong đó các yếu tố nguy cơ điển hình là hút thuốc, rượu bia và thực phẩm bẩn - Ảnh: Soha Ủng hộ quan điểm này, PGS.TS Trần Văn Thuấn - Giám đốc bệnh viện K cho rằng rất nhiều loại ung thư liên quan tới chế độ ăn uống gia tăng trong những năm gần đây tại Việt Nam. Tiêu biểu là ung thư đại trực tràng, tỷ lệ bệnh này ở nam giới tăng khá nhanh trong những năm gần đây. Nguyên nhân chủ yếu vẫn do môi trường sống và thói quen ăn uống chiếm tới 65%. Đặc biệt các chất bảo quản thực phẩm, các chất nhuộm màu gây ra nhiều bệnh ung thư như: dạ dày, gan, đại tràng, thực quản. Chính vì sự biến thể cũng như nhiều tác động nên việc khẳng định 100% bệnh nhân bị ung thư do thực phẩm bẩn đúng là không có căn cứ mà cần phải có thời gian nghiên cứu, theo dõi thường xuyên căn bệnh nguy hiểm này". Hàng ngày, người dân thường xuyên lo lắng cho sức khỏe về vấn đề an toàn thực phẩm mà quên rằng ngay cả nguồn nước, không khí cũng là nguyên nhân chính gây ra các bệnh ung thư đang gia tăng một cách đáng báo động. Khi ăn thực phẩm bẩn, phản ứng rõ nhất là ngộ độc, về lâu dài người bệnh có thể đối mặt với những căn bệnh mạn tính, lâu ngày gây đột biến gen - ung thư lúc đó bắt đầu xuất hiện. Đưa ra ý kiến của mình, bác sĩ Hoàng Đình Chân - Nguyên trưởng khoa phẫu thuật lồng ngực, bệnh viện K – Giám đốc Bệnh viện ung bướu Hưng Việt cho biết: Việc người dân thường xuyên sử dụng thực phẩm bẩn là nguyên ngân gần nhất dẫn tới bệnh ung thư, nó cũng chính là nguy cơ hàng đầu của nhiều bệnh ung thư tại Việt Nam. Tỷ lệ người mắc ung thư do sử dụng thực phẩm bẩn chiếm khoảng 35%, kế đến là hút thuốc lá 30%, yếu tố di truyền chỉ chiếm 5-10%. Để giảm tối đa việc nhiễm bệnh, người dân cần chú ý tới việc ăn uống như ăn nhiều chất xơ, ăn đủ ít nhất 5 suất trái cây, rau xanh mỗi ngày. Chế độ ăn này sẽ làm giảm cholesterol trong huyết thanh và hoa quả, rau, ngũ cốc đều có hàm lượng chất xơ cao. Bổ sung thêm các chất như sắt, calci, thiếc và giảm lượng muối trong từng bữa ăn, đặc biệt là những thực phẩm muối, xông, hun...". Theo ông Nguyễn Hùng Long - Phó cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế cho rằng trên thực tế, ung thư và các bệnh liên quan đến thực phẩm có thể xuất phát từ các tác nhân gây bệnh có trong thực phẩm như như vi sinh vật, hóa chất, các chất tự sinh hay bản thân thực phẩm bị nhiễm xạ, còn tồn dư chất bảo quản, thuốc bảo vệ thực vật… Cho đến nay, nền y học thế giới và cả Việt Nam vẫn phải dựa vào phương pháp phẫu thuật, xạ trị, hóa trị để điều trị ung thư. Bệnh ung thư ai đã bị thì gắn với người đó suốt đời, xem có tái phát, di căn trở lại hay không. Chính vì thế thay vì lo lắng hay đề phòng mọi thứ thức ăn khi tiếp xúc, người dân nên chú ý thay đổi thói quen sinh hoạt và cần đi khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần để phát hiện sớm những bất thường sức khỏe trong đó có căn bệnh ung thư. Theo Motthegioi.vn Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
|