Bộ sưu tập 60 xe máy cổ của 'anh nông dân' |
Một người đã được Sách kỷ lục Guinness Việt Nam công nhận có bộ sưu tập xe gắn máy hai thì nhiều nhất nước, lên tới 60 chiếc. Đó là anh Lâm Văn Tấn (ngụ đường Lê Lợi, thị trấn Hóc Môn, TPHCM).
Anh Lâm Văn Tấn bên “con” Mobylette 3 đũa cưng nhất của mình (chiếc xe này có giá tới 10.000USD) và chiếc cúp kỷ lục Việt Nam công nhận anh là người sưu tập xe gắn máy cổ hai thì nhiều nhất Việt Nam. Lấy tiền làm ăn của gia đình đi mua xe cổ Trước khi đam mê sưu tầm xe cổ, anh Tấn cũng như những người nông dân khác, chỉ quanh năm chân lấm tay bùn. Cho đến một ngày vào năm 2003, anh “nông dân” Lâm Văn Tấn nhìn thấy một người chạy chiếc xe gắn máy Mobylette thì có cảm giác “cứ mê mẩn thế nào ấy”. Tìm hiểu, anh Tấn biết được đây là dòng xe sản xuất từ mấy chục năm trước, chạy bằng xăng pha nhớt. Nghĩ rằng bằng mọi giá mình phải sở hữu một chiếc xe thuộc dòng này cho “khác người”, anh Tấn liền về gom tiền và mua được chiếc xe Mobylette ấy với giá 3,5 triệu đồng. Anh Tấn kể về quá trình sưu tầm xe gắn máy cổ của mình: “Khi sưu tầm được chiếc xe cổ đầu tiên, hằng ngày dù đi bất cứ đâu tôi đều chạy chiếc xe này. Thế nhưng, người thân và bạn bè cho tôi là kẻ gàn dở, vì người ta lên đời bằng xe máy xịn, đắt tiền hoặc xe hơi, thì tôi lại lôi về chiếc xe như cục sắt bỏ đi. Mặc thiên hạ nói, gia đình ngăn cản, tôi càng cảm thấy đam mê và tiếp tục sưu tầm những xe cổkhác”. Sau khi mua được chiếc xe Mobylette cổ đầu tiên, mỗi khi ra đường anh Tấn chỉ để ý xem ai có dòng xe giống như mình không, chủ yếu là để tìm hiểu những chiếc xe đó có xuất xứ từ đâu và giá bao nhiêu. Đam mê khiến anh bỏ cả việc nhà, lang thang khắp nơi xem có chiếc xe Mobylette cổ nào để ngắm nghía cho vui, tiện thể gạ người chủ sở hữu bán luôn cho mình. “Người thân và bạn bè cứ tưởng mình bị làm sao khi lấy cả tiền nhà để mua những chiếc xe cổ này. Đối với người khác thì đó chỉ là những cục sắt bỏ đi, nhưng mình lại khoái những cục sắt này đến mức bỏ ngoài tai những lời chê bai từ thiên hạ” - anh Tấn nói về thời gian đầu sưu tầm xe.
Đam mê đó cũng khiến anh quyết tâm săn lùng những dòng xe Mobylette cổ để bộ sưu tầm ngày càng đầy đủ hơn. Năm 2007, một lần thấy chiếc Mobylette 3 đũa còn “din” và “ngon” quá, anh Tấn chạy xuống tận Bến Tre nài nỉ người chủ bán lại với giá 3.000USD. “Phải van nài mãi họ mới chịu bán xe. Mua được xe rồi, nhưng cũng không dám đem về nhà vì sợ mọi người trong gia đình cho rằng tôi bị tâm thần. Nhưng rồi mọi người cũng biết chuyện và ép tôi phải bán chiếc xe Mobylette 3 đũa vừa mua được. Tôi cứ ậm ừ sẽ bán, nhưng đem giấu nhờ ở nhà một người bạn thân, mãi sau này mới đem về nhà” - anh Tấn vừa cười vừa kể về chuyện mua “con” xe Mobylette ưng ý nhất của mình. Sau khi tìm hiểu, chiếc xe Mobylette anh Tấn mua năm 2007 là “hàng còn din”- chưa bung máy và chỉ còn lại hai chiếc ở Việt Nam, chiếc còn lại do Giám đốc Công ty du lịch Sài Gòn sở hữu. Sau một thời gian, dân chơi xe cổ biết được anh Tấn sở hữu con Mobylette 3 đũa đó, đã đến tận nhà ngã giá 10.000USD, nhưng anh nhất quyết không bán. Người khách đó cứ phục ở nhà anh và nói rằng anh bán giá đó là quá lãi. “Bức xúc quá, tôi nói là mua để sưu tầm chứ đâu phải kinh doanh mà bán. Người khách kia nghe nói vậy thì buồn ra mặt và đành ra về trong niềm thất vọng. Chính vì vậy mà suốt một thời gian dài tôi bị người thân trách cứ. Sau đó nhiều lần tôi giấu gia đình, lấy tiền làm ăn mang đi mua xe. Mọi người gắt gỏng hỏi tôi: “Tiền làm ăn không có mà cứ đi mua mấy cục sắt ấy về bán sắt vụn hay sao?”. Nhiều lúc cũng thấy ngại, nhưng vì đam mê đã ngấm vào da thịt rồi, không thể nào bỏ được. Cũng không nỡ lòng nào bán đi những “cục sắt” mà mình bao công tìm tòi, sưu tầm” - anh Tấn nói chắc nịch. Qua nhiều năm tháng sưu tầm, cho đến bây giờ, dân chơi xe gắn máy cổ từ Bắc chí Nam đều phải kiêng nể anh Tấn, vì anh không bán một “cục sắt” nào dù có được trả giá cao đến bao nhiêu. Đó là một uy tín trong giới sưu tầm đồ cổ mà không dễ gì ai cũng có được. Bất ngờ nhận kỷ lục Guinness Việt Nam Những dòng xe cổ mà anh Tấn sưu tầm được sản xuất ở khắp các nước trên thế giới như Nhật Bản, Ý, Đức… từ mấy chục năm, thậm chí hàng trăm năm về trước. “Chính vì thế, sau khi tìm hiểu, xác minh kỹ càng, Trung tâm Sách kỷ lục Guinness Việt Nam đã công nhận anh Tấn là người sưu tầm dòng xe gắn máy cổ hai thì nhiều nhất” - ông Lê Trần Trường An - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP sách - niên giám Việt Nam, Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam - nói. Sau khi anh Tấn được ghi vào Sách kỷ lục Việt Nam, được nhận cúp kỷ lục Việt Nam thì mọi người trong gia đình mới biết những chiếc xe anh mua có giá trị rất lớn. Từ đó, mọi người không còn trách cứ mà quay sang động viên, an ủi anh về mặt tinh thần. Còn anh Tấn thì ngày đêm bận bịu với công việc kinh doanh của gia đình, nhưng cũng không quên việc xây dựng một quán cà phê để có nơi trưng bày xe cổcho khách uống cà phê chiêm ngưỡng. Sau khi đạt được kỷ lục Việt Nam, dân chơi xe cổ gọi anh bằng cái tên “Tấn Hoàng Mobylette”, nhằm tôn vinh niềm đam mê thực thụ của con người có chất “nông dân” này. Đam mê vẫn cháy bỏng, anh Tấn luôn kè kè bên mình chiếc Mobylette, dù trong nhà có đầy đủ những dòng xe hiện đại thời nay. Anh bỏ công bảo dưỡng, chăm sóc từng chiếc xe cẩn thận, nâng niu, “chiến hữu” có làm sao, trở chứng gì thì anh cảm thấy ăn không ngon, ngủ không yên. Anh đi đến các tỉnh, thành trên cả nước cũng bằng những “con” Mobylette. Và chuyến “diễu hành” bằng “con” Mobylette motor becane từ TPHCM ra Hà Nội rồi trở về “ngốn” 23 ngày trời cũng là dịp để anh được thỏa chí đam mê xe cổ của mình. Còn những chuyến hội tụ hội xe cổ mà anh đi từ TP.HCM xuống các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang… bằng những chiếc Mobylette là chuyện bình thường. Cứ khi nào anh em chơi xe hội tụ và diễu hành là y như rằng anh có mặt, sau đó đoàn lại kéo đến nhà ngắm nghía, chiêm ngưỡng những “con” Mobylette cổ trong bộ sưu tầm của anh và tấm tắc nể phục sự “chịu chơi” của người đam mê xe cổ đậm chất “nông dân” này.
Theo Lao Động
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
|