top-banner-miss-charm-2023

Thị trường Thứ năm, 08/03/2018, 14:18 GMT+7
Hàn Quốc ủng hộ Nghị định 116 về điều kiện sản xuất, nhập khẩu ô tô của Việt Nam

Đại sứ quán Hàn Quốc có văn bản gửi Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng bày tỏ tôn trọng các chính sách của Việt Nam cũng như cho rằng quyết định này có ảnh hưởng tích cực đến việc đầu tư của doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp Hàn Quốc tại Việt Nam.

han-quoc-ung-ho-nghi-dinh-116-ve-dieu-kien-san-xuat-nhap-khau-o-to-cua-viet-nam-wshowbiz

Hàn Quốc dự định mở rộng sản xuất ô tô ở Việt Nam - Ảnh Internet

Theo văn bản này, phía Hàn Quốc cho rằng các quy định liên quan đến việc nhập khẩu ô tô từ nước ngoài được Chính phủ Việt Nam ban hành gần đây như Nghị định 116, Thông tư 03 là chính sách nhằm duy trì nền tảng ngành công nghiệp ô tô lắp ráp trong nước từ 100% linh kiện nhập khẩu (CKD) đang chịu những điều kiện bất lợi so với ô tô nhập khẩu nguyên chiếc từ các nước ASEAN. 

Đại sứ quán Hàn Quốc hoàn toàn tôn trọng quy định này. Đặc biệt, các doanh nghiệp ô tô Hàn Quốc dự định mở rộng sản xuất xe ô tô lắp ráp CKD tại Việt Nam và nâng cao tỷ lệ nội địa hóa thông qua liên doanh với các doanh nghiệp Việt Nam. Các quy định mới của Chính phủ có ảnh hưởng tích cực tới quyết định đầu tư của doanh nghiệp Hàn Quốc này.

Trước đó vào ngày 26.2, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức hội nghị với các hiệp hội, doanh nghiệp và cơ quan có liên quan về các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Nghị định số 116/2017/NĐ-CP quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô và Thông tư số 03/2018/TT-BGTVT về sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô. Tại đây, các doanh nghiệp đã có những tranh luận “nảy lửa” quanh các quy định này.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Các nhà sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA), một số quy định trong Nghị định 116 đã làm gián đoạn và hầu như ngưng toàn bộ hoạt động nhập khẩu ô tô từ tất cả các nước, thu hẹp việc mở rộng thị trường ô tô, đội thêm nhiều chi phí và tăng thời gian thông quan đối với tất cả nhà nhập khẩu ô tô dẫn tới việc giá xe tăng cao và kéo dài thời gian chờ đợi của khách hàng.

Bên cạnh đó, Nghị định 116 cũng tạo ra sự đối xử không công bằng giữa các nhà sản xuất ô tô, giữa doanh nghiệp sản xuất trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vì một số thành viên VAMA mặc dù đã hoạt động hơn 20 năm tại Việt Nam nhưng nay họ có thể phải ngừng sản xuất chỉ vì một quy định đột xuất về đường chạy thử ô tô.

Ngược lại với quan điểm của các doanh nghiệp như Toyota, Ford, GM… ông Trần Bá Dương Chủ tịch Thaco - Trường Hải cho rằng quy định về bản sao giấy chứng nhận thể loại cho xe nhập khẩu là cho cả sản xuất trong nước, vì Thaco cũng phải xuất trình cho nước ngoài và điều này có từ 2016.

Ông Dương nói và cho biết ở châu Âu cũng có quy định này vì bảng BMW và Mini cung cấp từ mẫu bảng của châu Âu. Mini quy định tới 200 trang, của Peugeot khoảng 100 trang. Tác dụng của giấy chứng nhận chủng loại này như lý lịch của 1 chiếc xe, nói về công nghệ và các tính năng của xe, được chứng thực của các cơ quan có thẩm quyền.

"Nếu bỏ chứng nhận kiểu loại thì cần có trung tâm kiểm định đủ thẩm quyền như thế này. Vậy không cần loại bỏ quy định chứng nhận tiểu loại này mà nên chăng chỉ cần rà soát lại để thống nhất có một mẫu chứng nhận tiểu loại của Việt Nam cho phù hợp", ông Dương nêu ý kiến.

Ông Dương khẳng định: "Hiện nhiều doanh nghiệp trong nước đã chuyển từ chiến lược sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước sang thành nhập khẩu nguyên chiếc từ nước ngoài. Với sự tự trọng của mình, tôi khẳng định không xin ưu đãi một cái gì cho doanh nghiệp sản xuất trong nước mà chỉ xin được làm giống nhau”.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cũng nêu rõ Việt Nam là nước đang phát triển, hội nhập sâu rộng, tuân thủ các quy định của luật pháp quốc tế, song Việt Nam cũng cần có bước đi của mình. Việt Nam tạo điều kiện cho các nước xuất khẩu ô tô, nhưng cũng cần bảo đảm nền sản xuất tự chủ. Việt Nam không đặt vấn đề bảo hộ tuyệt đại đa số với sản xuất trong nước nhưng cũng phải có quan tâm một mức độ nào đó.

Ông Dũng khẳng định Nghị định 116 chủ trương là tạo cơ chế chính sách tốt hơn nhằm thu hút vốn đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài và trong nước để sản xuất ô tô chất lượng. Cùng với đó, phải tạo sự bình đẳng trong sản xuất và kinh doanh.

Ở một diễn biến khác liên quan, Honda Việt Nam cho biết lô xe ô tô nhập nguyên chiếc từ Thái Lan về Việt Nam khoảng 2.000 chiếc, gồm các dòng CR-V, Civic, Accord và Jazz dự kiến sẽ mở bán từ đầu tháng 5 tới. Đây là lô xe ô tô nhập khẩu nguyên chiếc đầu tiên về Việt Nam từ đầu năm đến nay, kể từ khi chính sách mới được ban hành theo hướng siết chặt điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh ô tô.

Theo Hoài Phong/vov.vn - 8/3/2018

Link nguồn: http://motthegioi.vn/kinh-te-c-67/han-quoc-ung-ho-nghi-dinh-116-ve-dieu-kien-san-xuat-nhap-khau-o-to-cua-viet-nam-83361.html


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

kndn

bhql2024

moc-beauty

hoa-moc-thien

Google Plus WSHOWBIZ.COM
buy dnp