top-banner-miss-charm-2023

Thị trường Thứ ba, 06/03/2018, 14:24 GMT+7
Ngân hàng 'tung chiêu' lãi suất, quà tặng để hút tiền gửi sau Tết

Nhiều ngân hàng đang "tung chiêu" hấp dẫn như tăng lãi suất, lì xì, quà tặng... để hút tiền gửi tiết kiệm sau Tết.

Các "chiêu" hút tiền gửi

Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, hệ thống ngân hàng đã bắt đầu hút tiền vào thông qua nhiều hình thức, nhằm cân bằng lại nguồn vốn do người dân và doanh nghiệp (DN) đã rút một lượng lớn tiền về ăn tết và chi trả lương thưởng cuối năm. Lãi suất ở một số ngân hàng hiện tăng thêm 0,1-0,3% tuỳ kỳ hạn, chưa kể các khoản lì xì, tặng quà hay dự thưởng...

ngan-hang-tung-chieu-lai-suat-qua-tang-de-hut-tien-gui-sau-tet-wshowbiz

Ngân hàng có nhiều chương trình hấp dẫn đối với người gửi tiền tiết kiệm (Ảnh minh họa: VnExpress) 

Chị Bích Vân (quận 6, TP HCM) chia sẻ, sau Tết Nguyên đán vợ chồng chị còn khoản tiền thưởng chưa dùng tới, cộng với số tiền mừng tuổi của con tổng cộng là 100 triệu đồng. Vì gia đình không buôn bán gì lại đi làm cả ngày nên quyết định gửi tiết kiệm. "So với trước Tết, hiện lãi ngân hàng vừa cao hơn khoảng 0,5%, lại được tặng quà lì xì đầu năm", chị Vân chia sẻ sau mấy ngày tìm hiểu tại các nhà băng.

Lãnh đạo một ngân hàng cổ phần phía Nam cho rằng trước Tết, một lượng tiền được các công ty rút ra chi lương thưởng, còn người dân thì chi tiêu, mua sắm... "Giờ là giai đoạn các ngân hàng lên những chính sách hấp dẫn về lãi suất, khuyến mại... để hút lại nguồn vốn", ông chia sẻ và cho biết thêm, việc tăng lãi suất cũng là nhằm cân đối lại cơ cấu vốn hợp lý hơn.

Theo đó, trên thị trường đang chứng kiến nhiều ngân hàng công bố tăng lãi suất tiền gửi. Như tại Eximbank, vào ngày đầu tiên hoạt động trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán (tức ngày 21/2), khách hàng gửi tiết kiệm ở đây sẽ nhận mức lãi suất tăng 0,1-0,2% so với trước, tuỳ kỳ hạn. Hiện lãi suất cao nhất của Eximbank là 8% với kỳ hạn 24-36 tháng.

Trước đó, Nam A Bank cũng công bố biểu lãi suất mới với tiền đồng, tăng 0,1-0,2% mỗi năm ở một số kỳ hạn. Thậm chí, khi khách hàng đến quầy gửi số tiền từ 100 triệu đồng trở lên với kỳ hạn trên 6 tháng thì được ngân hàng này cộng thêm 0,5-1% lãi suất so với bảng niêm yết, tuỳ trường hợp.

Tương tự, Techcombank ngay sau Tết Nguyên đán cũng nhích nhẹ lãi suất huy động. Lãi suất cao nhất của ngân hàng này là 7,1% ở kỳ hạn 18 tháng.

Và theo ghi nhận của VnExpress, đa số các nhà băng nhỏ trong diện tái cơ cấu đang có mức lãi suất huy động cao vượt trội so với các ngân hàng lớn. Cụ thể, với kỳ hạn lãi suất 6 tháng, các ngân hàng như Viet Capital Bank, GPBank, BacA Bank, NCB, DongA Bank… đều có lãi suất từ 7% mỗi năm trở lên, trong khi mức lãi suất của kỳ hạn này ở nhóm ngân hàng lớn như BIDV, VietinBank, VCB, Agribank chỉ 5,1 - 5,3% một năm.

Như vậy, nếu so sánh lãi suất huy động của nhóm ngân hàng nhỏ, đang tái cơ cấu và các ngân hàng lớn hiện chênh lệch 1,9 - 2,6% một năm cho kỳ hạn 6 tháng.

Bên cạnh việc tăng lãi suất, các nhà băng cũng liên tục tung ra chiến dịch khuyến mại hấp dẫn kèm theo để hút vốn như gửi tiền càng lớn, lãi càng cao; quay số dự thưởng, tặng quà lì xì đầu năm bằng các vật dụng tiêu dùng...

Từ ngày giao dịch 21/2 đến hết 21/04/2018 tại OCB tổng giá trị quà tặng lên đến 4 tỷ đồng gồm hơn 30 lượng vàng SJC, và hàng chục nghìn vòng quay trúng ngay tiền mặt.

Đối với TPBank, khách hàng gửi tiết kiệm tại quầy hoặc qua eBank có cơ hội nhận lì xì lộc xuân với những mệnh giá mang ý nghĩa tài lộc may mắn, hay Sacombank cho khách hàng cá nhân gửi tiết kiệm số tiền từ 100 triệu đồng kỳ hạn 1 tháng hoặc từ 30 triệu đồng kỳ hạn 6 tháng trở lên bốc thăm trúng 100% bao lì xì mệnh giá 20.000 đồng, 60.000 đồng, 80.000 đồng...

Ngân hàng Nhà nước cho rằng, việc tăng lãi suất này chỉ là cục bộ, tạm thời. Còn hiện nay với việc điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, đặc biệt là nghiệp vụ thị trường mở nhằm đảm bảo thanh khoản cho hệ thống các tổ chức tín dụng, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay của toàn hệ thống sẽ tiếp tục ổn định.

Thống đốc đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục rà soát và cân đối khả năng tài chính để áp dụng mức lãi suất cho vay hợp lý, trên cơ sở lãi suất huy động và mức độ rủi ro của khoản vay, tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay, nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng vay.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, hiện mặt bằng lãi suất huy động tiền đồng phổ biến ở mức 0,8-1% một năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,3-5,5% mỗi năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ một tháng đến dưới 6 tháng; 5,3-6,5% mỗi năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,5-7,3% một năm.

Mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6-6,5% mỗi năm đối với ngắn hạn, các ngân hàng thương mại nhà nước áp dụng lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 9-10% một năm.

Tiền ồ ạt “chảy” vào ngân hàng sau Tết

Sau kỳ nghỉ tết dài ngày, các ngân hàng cho biết số lượng người gửi tiết kiệm tăng mạnh, đặc biệt là khách hàng cá nhân. Hàng trăm tỷ đồng đã “chảy” vào ngân hàng mỗi ngày.

Theo đại diện Vietcombank tại TPHCM, sở dĩ lượng tiền nhàn rỗi quay về ngân hàng nhanh là vì trong 3 ngày đầu giao dịch (từ 21 đến 23-2), Vietcombank triển khai chương trình “Đón lộc đầu xuân Tết Mậu Tuất 2018” với tổng ngân sách 4 tỷ đồng, lì xì trực tiếp cho mỗi khách hàng từ 50.000 - 100.000 đồng.

ngan hang tung chieu lai suat qua tang de hut tien gui sau tet hinh 2

Nhiều người dân mang tiền tiết kiệm gửi ngân hàng sau Tết (Ảnh minh họa: KT) 

Theo quy luật phổ biến của ngành ngân hàng, tiền thường được rút ra trước tết và quay lại ngân hàng sau tết. Đó chính là lý do mà các ngân hàng tăng lãi suất kèm theo nhiều khuyến mãi hấp dẫn để hút nguồn tiền này về đơn vị mình.

Một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TPHCM cho biết, lượng tiền gửi tiết kiệm về lại ngân hàng trước và sau tết giúp tăng thanh khoản cho toàn hệ thống, do đã có một lượng tiền lớn rút ra khỏi ngân hàng vào dịp cuối năm qua nên thanh khoản của hệ thống ở trạng thái eo hẹp.

Thực tế cũng cho thấy, sau khi bơm ròng qua kênh tín phiếu để hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống trong dịp cuối năm, trong ngày thị trường trở lại giao dịch sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, NHNN cũng đã nhanh chóng hút bớt tiền về, giảm thiểu độ trễ cân đối nguồn.

Chị Nguyễn L. Thảo, nhân viên Phòng giao dịch Đại Cồ Việt một ngân hàng thương mại Nhà nước lớn đón tiếp mỗi ngày 70 - 80 khách hàng qua gửi tiền. Điểm giao dịch của chị Thảo không phải điểm đông dân cư nhưng lượng khách hàng tới trong những ngày này đông hơn ngày thường rất nhiều. “Thông thường dịp sát Tết và sau Tết người dân mang tiền gửi ngân hàng đông hơn thường lệ”, chị Thảo nói.

Chị Thảo phân tích, trước Tết nhu cầu thanh toán rất cao nên người dân tới nộp tiền phục vụ nhu cầu thanh toán và nhiều người nộp tiền vào ngân hàng vì không muốn giữ tiền mặt ở nhà dài ngày suốt dịp Tết. Còn sau Tết, theo chị Thảo, số tiền sau khi “tổng kết Tết” cũng được mang ra gửi tại các ngân hàng. “Năm nay, người dân tới gửi đông nhưng số tiền gửi không nhiều và cũng không có trường hợp đột biến. Khách gửi chủ yếu từ vài chục tới vài trăm triệu đồng và đa số là kỳ hạn ngắn”, chị Thảo thông tin.

Nhiều khách hàng chọn kỳ hạn ngắn, theo lý giải của chị Thảo là tâm lý gửi tiền sau Tết để lấy may. Tuy nhiên, tích tiểu thành đại, ngân hàng này đã thu hút được một nguồn vốn lớn ngay đầu năm.

Ông Võ Tấn Hoàng Văn, thành viên HĐQT, TGĐ Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) cho biết, đầu năm nay tình hình huy động của SCB và các ngân hàng khá tốt, có thể huy động vài trăm tỷ đồng mỗi ngày. Riêng tại SCB, lãnh đạo ngân hàng này tiết lộ, sau Tết, mỗi ngày ngân hàng thu hút trung bình trên 250 tỷ đồng, có ngày lên tới 300 tỷ đồng.

“Đầu năm, dòng tiền chưa đi vào vòng quay kinh doanh, đặc biệt là ngành bất động sản, xây dựng”, ông Văn nói và cho biết đối với các ngành đặc thù có chút tâm lý này thì sớm cũng phải từ cuối tháng 1 âm lịch mới bắt đầu triển khai hoạt động.

Còn theo nhìn nhận của chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, đầu năm tiền đổ từ dân cư vào ngân hàng là diễn biến mang tính chu kỳ. Do đó, một số ngân hàng sẽ tận dụng cơ hội này để thu hút vốn.

Tuy nhiên, TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng lưu ý, sau nhiều vụ khách hàng bị mất tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng thì tâm lý và tư duy của người dân đã thay đổi, họ sẽ đặt yếu tố an toàn lên đầu tiên, lên trước cả yếu tố lãi suất.

Nên kiểm tra tài khoản mỗi tháng 1 lần

Thời gian qua, một số tài khoản tiết kiệm của khách hàng tại một số ngân hàng “bỗng dưng” mất tiền. TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, khuyên khách hàng nên kiểm tra tài khoản ít nhất mỗi tháng một lần để theo dõi lịch sử giao dịch, kiểm tra các hoạt động giao dịch. 

TS. Hiếu cho rằng, khách hàng nên đăng ký tin nhắn theo dõi qua điện thoại để nhận thông tin biến động tài khoản kịp thời.

Theo vov.vn - 6/3/2018

Link nguồn: http://vov.vn/kinh-te/ngan-hang-tung-chieu-lai-suat-qua-tang-de-hut-tien-gui-sau-tet-736364.vov


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

kndn

bhql2024

moc-beauty

hoa-moc-thien

Google Plus WSHOWBIZ.COM
buy dnp