top-banner-miss-charm-2023

Thị trường Thứ sáu, 28/08/2015, 09:42 GMT+7
'Vòi bạch tuộc' kinh doanh đa cấp gây... tán gia bại sản

Các công ty đa cấp đang không từ thủ đoạn, kể cả bất chấp pháp luật, đạo lý để đưa khách hàng vào vòng xoáy và kiếm tiền bằng mọi giá. Nguyên nhân vì đâu mà những “bánh vẽ” này vẫn còn “đất sống”?

Không cần làm gì vẫn có tiền với tỉ suất sinh lời 4.800% (1 vốn 48 lời), tự đánh bóng thương hiệu bằng các giải thưởng “giời ơi đất hỡi”, “vươn vòi” khắp nơi, từ nơi phồn hoa đô hội đến vùng sâu vùng xa để “săn mồi”... là những thủ đoạn mà các công ty đa cấp đang “vẽ” ra để đưa không biết bao nhiêu người dân vào “tròng”.

Chúng đang không từ thủ đoạn, kể cả bất chấp pháp luật, đạo lý để đưa khách hàng vào vòng xoáy và kiếm tiền bằng mọi giá. Câu hỏi đặt ra, nguyên nhân vì đâu mà những “bánh vẽ” này vẫn còn “đất sống”?

Kinh doanh đa cấp cũng săn giải thưởng để lòe bịp

Liên kết Việt – là cái tên nổi đình nổi đám dư luận suốt những ngày qua. Đương nhiên, đó không phải “tiếng thơm” mà là sự tai tiếng, điển hình cho những mánh lừa đảo của các “bánh vẽ” bán hàng đa cấp. Là công ty sản xuất thương mại nhưng Liên kết Việt đã không từ thủ đoạn với những chiêu lừa có một không hai nhằm “chinh phục” khách hàng.

'Vòi bạch tuộc' kinh doanh đa cấp gây... tán gia bại sản - Ảnh 1

Bức tranh toàn cảnh về bán hàng đa cấp tại Việt Nam (ảnh minh họa).

Viễn cảnh mà nhân viên công ty Liên kết Việt vẽ ra chính là không cần làm gì cũng có tiền. Theo như kịch bản được vẽ, khách hàng chỉ cần bỏ ra 9,3 tỉ đồng, thu về 450 tỉ đồng. Tỉ suất lợi nhuận là 4.800%. Những lời khua môi múa mép của gã nhân viên thuyết trình công ty Liên kết Việt khiến những người lạc quan nhất cũng phải choáng. Thậm chí, công ty trên dám mạo danh nhiều cơ quan Nhà nước để lòe khách hàng. Chưa hết, họ còn “làm màu” bằng đủ các giải thưởng nhưng giá trị của các giải thưởng này thì không phải ai cũng biết.

Trong một diễn biến mới nhất, ông Nguyễn Văn Từ – Chánh văn phòng Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam – đơn vị cấp giấy chứng nhận Thương hiệu sản phẩm, dịch vụ Việt Nam phát triển bền vững năm 2015 cho công ty Liên kết Việt cũng xác nhận với PV báo về việc thu hồi giấy chứng nhận nêu trên. Trước câu hỏi về việc liệu còn công ty đa cấp nào khác cũng được trao giải thưởng tương tự như công ty Liên kết Việt, ông Từ cho biết: “Với các công ty làm ăn và khai báo gian dối như vậy, quả thực chúng tôi cũng không thể biết được”.

Bên cạnh đó, hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam – đơn vị cấp Chứng nhận sản phẩm, dịch vụ được tin dùng năm 2015 cũng cho biết, họ đang làm quyết định để thu hồi giấy chứng nhận. Lý do thu hồi vì Ban tổ chức cho rằng, đã có nhiều dấu hiệu cho thấy công ty này lừa đảo. Trên thực tế, các “tập đoàn đa cấp” đã hủy diệt không biết bao nhiêu gia đình và làm nhiều người điêu đứng. Hàng nghìn người dân đã dính bẫy các công ty này.

Cũng bị mê hoặc bởi những lời “có cánh” với mức lương hàng chục triệu đồng, có nhà ở phố... một số người dân thuộc đồng bào Ba Na ở xã Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định) cũng lao vào sự nghiệp “buôn nước bọt”, bán hàng đa cấp. Chiêu trò của nhân viên bán hàng đa cấp là dùng những từ mật ngọt, “vẽ” lên một tương lai “không cần làm gì cũng có nhiều tiền” để mê hoặc những người cả tin. Cuộc sống vốn yên bình của vùng quê nơi đây đã bị xáo trộn bởi... đa cấp.

Mật ngọt... chết người và nỗi đau bánh vẽ

Liên quan đến hệ thống bán hàng đa cấp hiện nay, theo thông tin mà ông Võ Đan Mạch – Phó chánh văn phòng Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam cung cấp cho PV, hiện nay cả nước chỉ có 48 công ty được cấp phép bán hàng đa cấp. Tuy nhiên, theo ông Mạch, có những công ty mặc dù đã được chấp thuận bán hàng theo nội dung này, nhưng thực tế triển khai lại không tuân thủ dẫn đến bất chính.

Ghi nhận của PV từ thống kê trên một diễn đàn uy tín cho biết, hiện có đến hàng trăm công ty đang hoạt động theo hình thức bán hàng đa cấp, phân bố từ Bắc chí Nam. Diễn đàn này thậm chí còn liệt kê chi tiết tên, số điện thoại, chức danh các lãnh đạo đơn vị cũng như những thủ đoạn mà các công ty đa cấp này “vẽ” ra với khách hàng. Nhiều câu chuyện đẫm nước mắt của các nạn nhân đa cấp cũng được chia sẻ.

Điển hình là công ty CP liên kết Minh Châu có trụ sở tại Tây Hồ, Hà Nội. Qua quá trình điều tra, lực lượng chức năng đã bắt giữ 5 đối tượng về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tổng số tiền thiệt hại trên 400 triệu đồng.

Mới đây, TAND TP.HCM cũng tuyên án 30 năm tù với 3 đối tượng bán hàng đa cấp. Thành lập công ty cổ phần Đầu tư du lịch Xuyên Việt, dù không có chức năng kinh doanh đa cấp nhưng 3 bị cáo đã mở một trang web để bán hàng đa cấp, thực chất là lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của những người nhẹ dạ. Kể từ ngày 10/3/2011 đến 25/3/2011, thông qua trang web, nhóm tội phạm này đã thu được là hơn 13,6 tỉ đồng.

Cách đây ít năm, Công an TP.Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với các đối tượng. Đây là đường dây tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức kinh doanh đa cấp trên mạng internet. Khi đi du lịch và để trở thành hội viên, khách hàng phải đóng 375 USD. Còn khi rủ được thêm nhiều người tham gia, hội viên sẽ được thưởng từ 1.000 USD đến 15.000 USD... Tuy nhiên, sau khi nộp tiền, rất ít người được đi du lịch.

Tháng 11/2014, Đoàn kiểm tra liên ngành về chống buôn lậu và gian lận thương mại TP.Hà Nội đã kiểm tra công ty CP liên minh tiêu dùng Việt Nam (VietNet). Cơ quan chức năng đã tiến hành thu giữ hơn 380 túi kẹo sâm, 750 lọ đông trùng hạ thảo và tinh chất nước sâm do nước ngoài sản xuất nhưng không có hóa đơn chứng từ tại kho của công ty. Năm 2012, cơ quan CSĐT bộ Công an cũng bắt khẩn cấp đối tượng Nguyễn Hoàng Vũ – Tổng giám đốc công ty cổ phần đầu tư Tâm Mặt Trời và 5 người là thành viên ban giám đốc của công ty đa cấp này. Công ty bán hàng đa cấp lừa đảo này có chi nhánh trên 30 tỉnh, thành khắp cả nước và tính đến nay đã có khoảng 39.000 nạn nhân đã sập bẫy lừa của chúng.

Ông Nguyễn Đức Minh – Cục Quản lý Cạnh tranh, Bộ Công thương: 

'Vòi bạch tuộc' kinh doanh đa cấp gây... tán gia bại sản - Ảnh 2Doanh nghiệp vi phạm có thể bị xử phạt tới 200 triệu đồng

Mức độ xử lý đối với các hành vi vi phạm quy định về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp hiện đã được điều chỉnh theo hướng tăng nặng, nhằm nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp và người tham gia bán hàng đa cấp. Tùy theo mức độ vi phạm, người tham gia có thể bị xử phạt tới 10 triệu đồng đối với mỗi hành vi vi phạm; doanh nghiệp bán hàng đa cấp có thể bị xử phạt lên tới 200 triệu đồng và có thể bị xem xét thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.

Ông Võ Đan Mạch – chánh văn phòng hiệp hội bán hàng đa cấp Việt Nam: 

'Vòi bạch tuộc' kinh doanh đa cấp gây... tán gia bại sản - Ảnh 3Cần loại bỏ những công ty làm ăn bất chính

Những công ty không chú trọng đến sản phẩm là những công ty không có chiến lược phát triển lâu dài, không uy tín. Với những công ty này, người gia nhập sẽ gặp rủi ro rất cao nhưng chủ doanh nghiệp sẽ thu được lợi nhuận rất nhanh trong thời gian ngắn vì huy động được số đông với những lời cam kết vô trách nhiệm. Những công ty này thuộc diện kinh doanh bất chính, thiếu đạo đức và nên loại bỏ. Vì nếu công ty ngừng hoạt động, người tham gia sẽ mất hết công sức, giá trị mạng lưới cũng bị huỷ bỏ, bởi những công ty này không quan tâm đến thương hiệu, uy tín mà cốt làm sao vơ vét thật nhiều tiền rồi cao chạy xa bay.

PGS.TS Đỗ Minh Cương, chủ nhiệm bộ môn Văn hoá Doanh nghiệp (ĐH Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội): 

'Vòi bạch tuộc' kinh doanh đa cấp gây... tán gia bại sản - Ảnh 4Nhiều công ty mượn các giải thưởng để “làm màu”

“Thực tế hiện nay đang có tình trạng nhiều công ty tổ chức sự kiện hợp tác với các đoàn thể để trao các giải thưởng và mời các vị có chức tước hoặc các vị từng giữ chức vụ giờ đã nghỉ hưu đến để trao giải thưởng. Các vị này đến và cũng có “giá” để tham dự sự kiện. Chính vì thế, việc xem xét các điều kiện để đoạt giải làm sao có thể cụ thể, chi tiết và khách quan được. Các đơn vị tham dự giải chỉ cần nộp vài chục triệu đồng là có thể được phát giải thưởng. Với điều kiện dễ dàng như vậy, các công ty kinh doanh đa cấp mang tính chất lừa đảo sẵn sàng chi vài chục triệu để có giải vì sau đó họ thu lợi được từ cái “danh” đó hơn nhiều lần số tiền bỏ ra tham dự. Vì thế, cần có quy chế quản lý cán bộ bởi người dân nhìn ảnh thì chỉ biết các vị đó là người cơ quan công quyền và tin. Đặc biệt, hiện nay, cơ chế hậu kiểm các giải thưởng là không có và tính tôn vinh, tin cậy của các giải không còn nhiều giá trị”. 

 Theo Nguoiduatin.vn


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

kndn

bhql2024

moc-beauty

hoa-moc-thien

Google Plus WSHOWBIZ.COM
buy dnp