'Đất rừng phương Nam bị ‘đánh’ là nỗi đau của điện ảnh Việt Nam' |
Phim ‘Đất rừng phương Nam’, ‘Xích lô’ được đề cập trong hội thảo ‘Một số vấn đề trọng tâm trong xây dựng công nghiệp điện ảnh Việt Nam’ như một ví dụ để nghiên cứu lý luận phê bình điện ảnh. Đạo diễn Phi Tiến Sơn phát biểu - Ảnh: VĂN HÀ Hội thảo do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo; Cục Điện ảnh phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng tổ chức thực hiện, nằm trong khuôn khổ Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23 (diễn ra từ ngày 21 tới hết ngày 25-11) tại Đà Lạt. Sự kiện xoay quanh các giải pháp trọng tâm trong xây dựng công nghiệp điện ảnh Việt Nam như chính sách ưu đãi trong phát triển điện ảnh, hợp tác quốc tế, giờ làm việc trên trường quay của nhân sự làm phim, công nghệ sản xuất ảo, phim trường kết hợp du lịch cũng như xây dựng con người công nghiệp của công nghiệp điện ảnh, trong đó có cả vấn đề phê bình, lý luận điện ảnh. Trường hợp phim Đất rừng phương Nam "là một nỗi đau" Đạo diễn Phi Tiến Sơn kể năm 1993, có một nhà sản xuất người Mỹ sang Việt Nam. Đạo diễn hỏi ông: Làm sao để mang phim Việt Nam ra thế giới. Ông khuyên: "Hãy xem cách Trung Quốc làm đi. 10 năm trước, họ cũng giống các bạn nhưng họ có những cánh chim đầu đàn Trần Khải Ca, Trương Nghệ Mưu khiến cả thế giới để ý đến điện ảnh Trung Quốc". Lúc đó, nhà sản xuất này vừa xem bản dựng phim Xích lô của đạo diễn Trần Anh Hùng. "Trần Anh Hùng sẽ là một cánh chim đầu đàn của đất nước các bạn. Đó là một tác phẩm rất tốt". "Sau đó, Xích lô bị cấm ở Việt Nam. Từ việc muốn lột xác từ lãng mạn sang hiện thực, sau cú sốc đó, Trần Anh Hùng quay lại với phim Mùa hè chiều thẳng đứng êm ả, mềm mại", đạo diễn Phi Tiến Sơn nói. Từ câu chuyện phim của đạo diễn Trần Anh Hùng, đạo diễn phim Đào, phở và piano đặt vấn đề liên quan đến chính sách, cách tiếp nhận tác phẩm điện ảnh. Theo đạo diễn Phi Tiến Sơn, Việt Nam đang có một lứa đạo diễn trẻ, tài năng, dũng cảm, bắt đầu có ý thức vượt qua dòng phim giải trí để tiếp cận những vấn đề lớn hơn. Chúng ta phải có những ứng xử như thế nào với họ? Ông ví dụ phim Đất rừng phương Nam đã tỏa ra hào khí của chủ nghĩa yêu nước nhưng bị "đánh". Ông gọi câu chuyện ồn ào của Đất rừng phương Nam vừa qua là "một nỗi đau" của điện ảnh Việt Nam. Đất rừng phương Nam lại được đề cập đến trong sự kiện về phát triển của công nghiệp điện ảnh Việt Nam - Ảnh: ĐPCC Nhà làm phim chơi vơi, bức xúc Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam Đỗ Lệnh Hùng Tú cho rằng, chia sẻ của đạo diễn Phi Tiến Sơn đã đặt ra vấn đề "cần bảo vệ người làm phim". Ông Tú nói hiện mỗi trang mạng là một tờ báo riêng, chủ tài khoản đồng thời là "phóng viên" và "tổng biên tập", chỉ một vài thao tác đơn giản, ý kiến đã được đăng tải lên mạng một cách nhanh chóng. Theo ông Tú, có những bài viết thoá mạ, thậm chí "bới lông tìm vết". Có không ít người chưa xem cũng hùa vào "ném đá" phim. Có nhà làm phim từng tâm sự với ông Đỗ Lệnh Hùng Tú, có những phim của họ mới phát hành, đã bị một người nào đó hoặc một trang tin nào đó vùi dập, chê tơi tả trên mạng xã hội. Sau đó họ nhận được những cú điện thoại tìm đến gần như mặc cả, đòi đoàn phim chi tiền để gỡ. Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam đánh giá, đó là những hiện tượng tiêu cực, không lành mạnh đối với nền điện ảnh Việt Nam. Làm phim giống như đang chọn chơi một canh bạc. Có thể thành, bại (doanh thu, danh tiếng), chưa kể, có trường hợp bị thóa mạ trên mạng xã hội. "Nghệ sĩ chấp nhận tất cả những điều đó với nhiều tổn thương", ông Tú nói. Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, nhà sản xuất, đạo diễn Mai Thu Huyền bức xúc, chỉ ra vài ví dụ như Trạng Tí, Đất rừng phương Nam… và nói "khi phim bị bắt nạt, không có ai bảo vệ nghệ sĩ cả". "Chính những điều đó làm giảm nhiệt huyết của những người làm phim rất nhiều. Họ bị rơi vào một trạng thái chơi vơi, không biết có nên tiếp tục làm nghề không", Mai Thu Huyền chia sẻ. (Nguồn: tuoitre.vn) Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
|