Tẩy thực phẩm bằng oxy già: Lừa đảo + đầu độc |
Có những trường hợp dùng oxy già để tẩy trắng thực phẩm đã quá hạn sử dụng, không chỉ đánh lừa mà hành vi này còn phải gọi là đầu độc người tiêu dùng! Vừa qua, cơ quan chức năng phát hiện nhiều cơ sở chế biến thuỷ hải sản, kinh doanh thực phẩm dùng oxy già tẩy trắng mực, chân gà, da heo, pha oxy già vào sữa nhằm thanh trùng, diệt khuẩn... Có những trường hợp dùng oxy già để tẩy trắng thực phẩm đã quá hạn sử dụng, không chỉ đánh lừa mà hành vi này còn phải gọi là đầu độc người tiêu dùng! Vừa bẩn vừa độc Oxy già dùng trong y tế là dung dịch hydro peroxyd, chỉ dùng ngoài (không được uống), với nồng độ 3% dùng để rửa vết thương ngoài da hoặc súc miệng, 2% để rửa âm hộ, âm đạo. Cơ chế tác dụng của nước oxy già là khi tiếp xúc với chất hữu cơ (có ở vết thương) sẽ phóng thích khí oxy để phân huỷ vi sinh vật. Oxy già cũng phân huỷ các phân tử màu (vì vậy có thể làm tóc có màu vàng). Điều cần đặc biệt lưu ý là nước oxy già dùng trong y tế phải đạt các tiêu chuẩn dược dụng, tức phải tinh khiết. Còn oxy già dùng tẩy trắng thực phẩm thường không tinh khiết, vì điều chế từ hoá chất công nghiệp cho rẻ, chẳng hạn dùng các muối persulfat cho vào nước. Các loại này chứa nhiều tạp chất, độc chất có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ người dùng. Tuỳ vào tạp chất có trong oxy già là gì mà có thể gây bệnh khác nhau. Muốn biết chỉ có cách mang đi xét nghiệm, chứ bằng mắt thường khó phát hiện được. Riêng việc cho oxy già vào sữa, nếu là oxy già không tinh khiết thì ở bất cứ hàm lượng nào, nguy cơ gây bệnh cho người sử dụng đều cao. Thực phẩm đã hết hạn sử dụng nếu tìm cách "đánh lận con đen", làm cho tươi lại thì chắc chắn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ người dùng. Cần cảnh giác với những con mực “trắng sáng đến không ngờ” này Là chất cấm cho vào thực phẩm Theo quy định của Bộ Y tế, oxy già không được phép cho vào thực phẩm. Có thể dùng chất tẩy trắng trong thực phẩm nhưng phải tuân theo các tiêu chuẩn hết sức khắt khe. Như người ta dùng kali hypobromit cho vào bột mì để bánh mì có ruột trắng hơn và FAO (tổ chức Lương nông LHQ), WHO (tổ chức Y tế thế giới) cho phép lượng tối đa là 20mg/kg. Đương nhiên loại kali hypobromit này phải đạt tiêu chuẩn dùng trong thực phẩm chứ không thể lấy hoá chất công nghiệp pha chế bừa bãi. Nhân đây cũng xin nhắc lại một sự việc xảy ra cách nay khá lâu: để làm trắng kẹo dừa, giảm lượng nước cốt dừa nhằm thu lợi nhiều hơn, người ta đã trộn bột titan oxít vào kẹo. Nguy hiểm ở chỗ titan oxít là hoá chất công nghiệp, chắc chắn chứa tạp chất độc hại và lượng dùng không lường được là bao nhiêu. Người viết đã thông tin vụ việc này trên các phương tiện truyền thông đại chúng để giúp người tiêu thụ cảnh giác, và các cơ quan quản lý an toàn thực phẩm khi đó đã ngăn chặn việc làm phi pháp này. Bên cạnh việc đề cao cảnh giác của người tiêu dùng, không ngừng nâng cao hiểu biết để trở thành "người tiêu dùng thông thái" (mặc dù rất khó!), chắc chắn cần phải có sự quản lý hiệu quả của các cơ quan chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm. Có thế mới mong kịp thời ngăn chặn và vô hiệu hoá các vụ lừa đảo trong sản xuất, chế biến thực phẩm. (Theo SGTT) Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
|