Nguyên nhân & cách xử lí khi bị say nắng |
Thời tiết nắng nóng vào mùa hè khiến cơ thể mệt mỏi, mất nước và dễ bị say nắng. Nếu không được xử trí đúng cách, say nắng có thể gây ra các biến chứng, thậm chí gây tử vong. Nguyên nhân, triệu chứng khi bị say nắng Say nắng là hiện tượng thường gặp vào mùa hè. Say nắng thường xảy ra với những người phải lao động hoặc đi bộ lâu ngoài nắng, nhất là buổi trưa khi trời nắng gay gắt. Người bị say nắng thường có thân nhiệt tăng cao, có thể lên tới 39-40 độ C. Một số trường hợp nghiêm trọng hơn còn xuất hiện hiện tượng da rộp đỏ, lưỡi sưng, tim đập nhanh và rối loạn ý thức. Ảnh minh họa. Bệnh nhân có thể bị ngất xỉu hoặc rơi vào trạng thái hôn mê, co giật. Những trường hợp này cần mau chóng chuyển người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu. Ngoài ra, với những người có tiền sử mắc bệnh tim mạch, đặc biệt là người già, khi cơ thể mất nước và muối, máu đặc hơn bình thường và không thể lưu thông một cách dễ dàng, có thể bị đau tim hay đột quỵ. Cách xử trí ngay lập tức đối với người bị say nắng Theo chia sẻ của bác sĩ Đỗ Quốc Phong trên báo Sức khỏe và Đời sống, trước một trường hợp say nắng, say nóng, cần nhanh chóng tiến hành những biện pháp sơ cứu ngay lập tức khi chưa có sự hỗ trợ của nhân viên y tế. Cụ thể: - Nhanh chóng tiến hành giảm thân nhiệt cho bệnh nhân: Chuyển ngay bệnh nhân vào chỗ mát, thoáng gió, cởi bỏ bớt quần áo, cho uống nước mát có pha muối, chườm lạnh bằng khăn mát hoặc nước đá ở những vị trí có động mạch lớn đi gần ngoài da như nách, bẹn, cổ. - Nếu bệnh nhân hôn mê không uống được nước hoặc nôn liên tục, sốt tăng liên tục, kèm các triệu chứng đau bụng, đau ngực, khó thở thì phải nhanh chóng chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Trong quá trình vận chuyển, thường xuyên chườm mát cho bệnh nhân. Ảnh minh họa. Cách phòng say nóng, say nắng vào mùa hè - Nên uống nhiều nước, ăn các loại thức ăn mát, các loại rau củ quả chứa nhiều kali như rau má, cà chua, rau đay, mồng tơi..., mặc quần áo rộng, thoáng mát, thoát mồ hôi. - Không nên ở lâu, làm việc quá sức trong môi trường quá nóng, nắng, khi phải đi bộ ngoài nắng phải đội nón, mũ. - Trẻ em, người lớn tuổi, bệnh lâu ngày hoặc người uống rượu bia không phơi nắng, nóng lâu. Ngoài ra, việc rèn luyện, nâng cao sức khỏe thường xuyên cũng giúp cơ thể có sức chống chọi với sự thay đổi của thời tiết, đặc biệt trong giai đoạn chuyển mùa. Nhóm người dễ bị say nắng - Trẻ em: Khi đi ra ngoài giữa trời nắng nóng, cơ thể trẻ phát triển chưa được hoàn thiện nên dẫn đến việc điều tiết thân nhiệt cơ thể kém. - Phụ nữ có thai và sản phụ là đối tượng có sức khỏe yếu. - Người cao tuổi: Do tuyến mồ hôi dưới da bị teo lại, hoạt động của hệ tuần hoàn bị suy yếu, cơ thể tỏa nhiệt không nhanh. - Người mắc bệnh tim mạch: Do thời tiết nóng nực khiến thần kinh phấn chấn, tăng gánh nặng cho tim. - Người bị viêm nhiễm, suy dinh dưỡng: Có thể khiến hơi nóng trong người tăng lên nhanh chóng, vi khuẩn và virus làm cho cơ thể tiết ra những chất không có lợi cho việc tỏa nhiệt. Diệu Linh (wshowbiz.com)/TH Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
|