Ước mình cùng bay dự báo là 'bom tấn', phim truyền hình Việt lấy lại được khán giả? |
Ước mình cùng bay - bộ phim truyền hình mới do đạo diễn Phan Đăng Di thực hiện, phát sóng trên VieON từ ngày 24-1, được dự báo là phim 'bom tấn' của màn ảnh nhỏ năm 2024.
Phim Kẻ sát nhân cô độc mở đầu cho giờ phim truyện TFS sản xuất, phát sóng từ ngày 4-1 Ước mình cùng bay là bộ phim về gia đình, tuổi trưởng thành đặt trong bối cảnh của những thay đổi mạnh mẽ, đôi khi khốc liệt của xã hội Việt Nam trong thế kỷ 21. Phim kể về số phận của những con người mong muốn thoát nghèo. Họ buộc phải bước vào cuộc mưu sinh với nhiều ước mơ, hoài bão và mất mát. Dàn diễn viên tươi mới với nhiều màu sắc đa dạng như Kiều Trinh, Võ Điền Gia Huy, á hậu Thùy Dung, Trịnh Thảo, Quang Đại, Lãnh Thanh… cũng là điểm nhấn cho bộ phim này. Làn gió mới trong năm 2024? Đặc biệt, Ước mình cùng bay là bộ phim truyền hình đầu tiên của Phan Đăng Di - đạo diễn tên tuổi trong dòng phim nghệ thuật độc lập của điện ảnh Việt. Những bộ phim anh thực hiện như Khi tôi hai mươi và các phim điện ảnh Chơi vơi (vai trò biên kịch), Bi, đừng sợ!, Cha và con và…, Chàng dâng cá, nàng ăn hoa vượt ra khỏi phạm vi Việt Nam, vươn ra thế giới và giành được nhiều giải thưởng quốc tế. Ngay khi khởi động, Ước mình cùng bay đã được chú ý vì hành trình sản xuất phim ấn tượng. Phim khởi quay năm 2020, một thời gian sau đó TP.HCM phải phong tỏa vì dịch COVID-19. Sau khi tình hình ổn định, đoàn phim mới tiếp tục hoạt động. Mới đây nhất, ê kíp sản xuất đến Đài Loan để quay những cảnh còn thiếu. Giới làm phim và khán giả hy vọng một đạo diễn có tiếng như Phan Đăng Di lần đầu thực hiện phim truyền hình Việt thì chắc hẳn sẽ mang đến làn gió mới cho phim truyền hình trong năm 2024 này. Từ ngày 4-1 lúc 22h thứ năm và thứ sáu trên kênh HTV7 phát sóng lại bộ phim Kẻ sát nhân cô độc do hãng phim TFS sản xuất. Bộ phim từng đoạt huy chương vàng Liên hoan truyền hình toàn quốc, bằng khen giải Cánh diều vàng, giải A Hội Điện ảnh TP.HCM, giải Ngôi sao xanh cho nam diễn viên xuất sắc. Điều đặc biệt Kẻ sát nhân cô độc mở đầu cho giờ phát sóng phim do TFS - hãng phim từng nổi tiếng một thời - sản xuất. "Sau phần 1, giờ phim sẽ trình làng phần 2 của Kẻ sát nhân cô độc. Các phim Thế giới trong gương, Miền quên lãng sẽ lần lượt lên sóng… Chúng tôi đã chuẩn bị đủ phim để phát trong năm 2024. Các đề tài đa dạng từ tâm lý, hình sự và cả giả tưởng" - ông Phạm Việt Phước, giám đốc Hãng phim TFS, cho biết. Đạo diễn Nhâm Minh Hiền nói: "Tôi nghĩ năm 2024 này có nhiều tín hiệu vui cho phim Việt. Các phim phát trên hệ thống OTT được đầu tư cao, chất lượng tốt sẽ giúp cho phim truyền hình có cuộc cạnh tranh gay gắt trong việc thu hút khán giả. Điều này sẽ giúp các nhà sản xuất, đạo diễn, diễn viên ý thức hơn trong việc tạo ra những sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khán giả". Biên kịch kiêm đạo diễn Nguyễn Hoàng Anh chia sẻ: "Thị trường phim Việt Nam trong đó có truyền hình thời gian gần đây phát triển sôi động, sự kiểm duyệt về nội dung cũng đã cởi mở hơn rất nhiều". Á hậu Thùy Dung (phải), Trịnh Thảo trong phim Ước mình cùng bay - Ảnh: ĐPCC Còn đó những nỗi lo Tuy có những tín hiệu tích cực nhưng phim truyền hình Việt vẫn còn nhiều nỗi lo lắng cần giải quyết để lấy lại tình yêu với khán giả. Biên kịch Đặng Thanh lấy phim Tết ở làng Địa Ngục làm ví dụ mặt hạn chế của phim truyền hình: "Tết ở làng Địa Ngục khai thác những phong tục cổ lậu của Việt Nam được lên sóng Netflix như làn gió mới thổi vào giới trẻ làm phim dám nghĩ dám làm. Nhưng bộ phim lại không phát sóng trên kênh truyền hình chính thống bởi các yếu tố: ma mị, kinh phí đầu tư cao, phim có những cảnh kinh dị không phù hợp". Thúy Ngân trong phim 7 năm chưa cưới sẽ chia tay do đạo diễn Hoàng Anh thực hiện - Ảnh: ĐPCC Theo chị, yếu tố kinh phí thực hiện là một bài tính thực tế cần các nhà sản xuất chú trọng hơn nữa. Những khoản đầu tư trong phim đều phải được bảo toàn về mặt chất lượng lẫn doanh thu của phim. Phim Việt lạm dụng chủ đề gia đình, quay như sitcom. Một tập phim 45 phút chỉ cần quay trong ba bối cảnh lớn, một bối cảnh lẻ. Những thiếu thốn này khiến phim không đạt yêu cầu được đặt ra ngay từ đầu. Còn đạo diễn Hoàng Anh chia sẻ thêm: "Phim Việt vẫn còn khó khăn do nguồn nhân lực được đào tạo bài bản, chuyên sâu còn quá nhiều hạn chế. Tư duy của nhiều nhà sản xuất vẫn đặt mục tiêu khai thác lợi nhuận lên hàng đầu, trong khi phim ảnh là một ngành kinh doanh đặc thù đòi hỏi phải cân bằng giữa lợi ích kinh tế và tính nghệ thuật". Chị nói thêm: "Bên cạnh đó, chúng ta vẫn chưa có các quỹ đầu tư lớn thật sự để hỗ trợ các nhà làm phim trẻ, nhà làm phim độc lập đã đặt ra rào cản rất lớn cho sự sáng tạo của người làm phim khiến phim Việt có nội dung nghèo nàn, quanh quẩn, đồng thời thiếu hẳn đi một tầm vóc". Hiện tại có cả chục đoàn phim đang tỏa ra khắp nơi trong cả nước để ghi hình kịp đáp ứng phim cho năm 2024. Một số đoàn cũng không ngại chọn cách đi quay xa. Họ đến tỉnh Lâm Đồng hay miền Tây để tạo ra những bối cảnh đẹp, thoáng cho phim. Đạo diễn Nhâm Minh Hiền đang dẫn đoàn Hạnh phúc bị đánh cắp lên Đà Lạt ghi hình. Đoàn phim Chân trời mới của đạo diễn Vương Quang Hùng đang quay ở Bảo Lộc… (Nguồn: Tuoitre.vn) Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
|