Stress làm giảm tuổi thọ |
Bạn thường xuyên bị đau lưng không rõ nguyên nhân? Hoặc nhức đầu? Hết mắc bệnh này đến bệnh khác? Bạn hay bị rối loạn tiêu hóa? Sức khỏe tồi tệ là hệ quả bởi cuộc sống quanh năm căng thẳng,... Stress - Thủ phạm gây đột quỵ Số liệu điều tra của cơ quan y tế Mỹ ghi nhận, sau trận động đất kinh hoàng 6,7 độ richter bất ngờ quét qua Los Angeles năm 1994 cướp đi sinh mạng 72 người và gây thiệt hại vật chất trên 12 tỷ USD, con số các ca tử vong do nhồi máu cơ tim vì stress tại quốc gia này tăng 4,5 lần so với bình thường. Stress là một trong số nguyên nhân cắt ngắn tuổi thọ là thực tế đã được khoa học chứng minh từ nhiều năm. Cuộc sống căng thẳng kéo dài thường dẫn đến sự xuất hiện các sự cố liên quan đến hệ tim mạch. Stress là cơ chế tự vệ rất quan trọng. Nó động viên nội lực của chúng ta vào thời điểm bị đe dọa. Khi ấy, các hormon stress (trong đó có adrenalin và cortisol) được tiết xuất vào tuần hoàn máu với nhiệm vụ bổ sung cho cơ thể sức mạnh và tăng khả năng chịu đựng đau đớn. Tăng tốc hoạt động tim, tăng huyết áp, thở sâu hơn và tăng nhịp hô hấp, cải thiện phản xạ. Cơ chế này hữu ích khi chúng ta rơi vào tình huống tính mạng bị đe dọa hoặc phải giải quyết việc quan trọng. Tiếc rằng nhịp sống gấp gáp của cuộc sống đương đại bề bộn nghĩa vụ bắt buộc chúng ta sử dụng liều kích thích tự nhiên này quá thường xuyên. Thay vì bổ sung sức mạnh, trạng thái stress kéo dài dẫn đến suy nhược và tàn phá hệ miễn dịch, gây sự cố với hệ tim-mạch, tiếp tay cho những bệnh trao đổi chất cũng như đe dọa xuất hiện bệnh ung thư. Stress, thủ phạm tàn phá hệ miễn dịch và gây nhiều chứng bệnh. Tăng nguy cơ mắc Alzheimer Phân tích những dữ liệu liên quan đến phụ nữ Thụy Điển nhóm tuổi trung niên đã từng trải nghiệm ly hôn hoặc mất người thân cho thấy, stress dạng này là nguyên nhân tăng nguy cơ xuất hiện bệnh Alzheimer (bệnh mất trí nhớ) vào thời kỳ sau cuộc đời của họ. Hơn thế, mối đe dọa này tăng tỷ lệ thuận với con số biến cố căng thẳng mà đối tượng đã gặp. Chắc chắn đó là hiệu ứng hoạt động của những hormon stress, trong đó có cortisol, hợp chất phát động không ít thay đổi bất lợi trong não bộ. Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Thụy Điển cũng cho thấy, những phụ nữ trải nghiệm nhiều tình huống stress vào giai đoạn giữa 38 và 54 tuổi bị nguy cơ xuất hiện bệnh Alzheimer lớn hơn 21%, nguy cơ đãng trí tăng 15% so với đồng loại ít bị stress cùng thời gian. Hiện nay, khoa học cho rằng để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh Alzheimer, ngoài hóa giải stress, việc áp dụng thực đơn lành mạnh, thường xuyên hoạt động thể chất, không hút thuốc lá, nỗ lực kiểm soát huyết áp và mỡ máu cũng đóng vai trò hết sức quan trọng, TS. Simon Ridley - Chủ tịch Hiệp hội Anh quốc nghiên cứu về bệnh Alzheimer khẳng định. Nên biết, nỗ lực dập tắt cảm xúc mạnh và buồn rầu vì mọi việc diễn ra xung quanh sẽ dẫn đến tụt giảm số lượng tế bào bạch huyết (lymphocyte) trong máu, đồng thời cũng làm suy giảm hoạt động của tế bào bạch huyết. Theo nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học Nhật Bản, con người đương đại bị stress bởi trên 40% sự kiện đã xảy ra trong quá khứ, trên 40% sự kiện chưa bao giờ diễn ra, trong khi chỉ có 8% vấn đề họ lo lắng thực sự xuất hiện. Nhiều người trong chúng ta suốt đời “ngụp lặn” trong stress làm cho hệ miễn dịch suy nhược. Và vấn đề này càng trở nên tệ hơn khi đối tượng ăn uống không lành mạnh, sử dụng các chất kích thích, ngủ ít. Các nhà khoa học Mỹ thuộc Đại học Rosalind Franklin (Chicago) đã chứng minh, thậm chí một thoáng stress mạnh đơn lẻ cũng hủy hoại những tế bào mới xuất hiện trong não. Thế nên không có gì ngạc nhiên khi khẳng định stress là thủ phạm tăng nguy cơ xuất hiện bệnh Alzheimer và sẽ làm ngắn tuổi thọ của chúng ta. Theo Ngọc Báu/doisongsuckhoe.vn (Nguồn: Stress skraca zycie) Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
|