Chị đẹp đạp gió rẽ sóng không đẹp như Đạp gió bản Trung |
Sau hơn một tháng phát sóng, Chị đẹp đạp gió rẽ sóng liên tục nhận về chỉ trích, bị chê kém hấp dẫn so với bản gốc Đạp gió. Tiết mục Đưa em về nhà Chị đẹp đạp gió rẽ sóng là bản Việt hóa của chương trình giải trí ăn khách Đạp gió thuộc Đài truyền hình Mango TV (Trung Quốc), lên sóng tập đầu tiên ngày 28-10. Kỳ vọng rồi thất vọng Bám sát format gốc, Chị đẹp đạp gió rẽ sóng quy tụ 30 nữ nghệ sĩ nổi tiếng trên 30 tuổi, hoạt động nghệ thuật ở nhiều lĩnh vực. Tất cả cùng sinh hoạt chung, tập luyện, biểu diễn dưới hình thức nhóm nhạc. Dàn nữ nghệ sĩ nổi bật vì có các ca sĩ kỳ cựu, "hoa hậu quốc dân", người mẫu, diễn viên, nghệ sĩ trẻ đang được yêu mến như Hồng Nhung, Mỹ Linh, Thu Phương, Lệ Quyên, Lưu Hương Giang, Uyên Linh... Bên cạnh dàn "chị đẹp", chương trình tạo được thiện cảm khi truyền tải thông điệp tích cực đến phái đẹp, giúp người phụ nữ bỏ qua quan niệm về tuổi tác, thỏa sức với đam mê và vượt qua giới hạn của bản thân. Từ những lý do trên, Chị đẹp đạp gió rẽ sóng bước đầu trở thành show truyền hình hot nhất nhì tại Việt Nam ở thời điểm mới ra mắt. Tập 1, 2, 3 và 5 lần lượt lọt top trending YouTube và thu về gần trăm ngàn bình luận của khán giả. Tuy nhiên, qua từng tập, chương trình cho thấy sự hạ nhiệt, mức độ thảo luận giảm dần theo thời gian. Trên các diễn đàn, nhiều khán giả đã bày tỏ thất vọng khi Đạp gió bản Việt không hấp dẫn và vấp phải hàng loạt tranh cãi. Tiết mục của nhóm Răng khôn Điểm yếu phiên bản Việt Đạp gió của Trung Quốc ra mắt từ năm 2020, đến nay đã trải qua ba mùa phát sóng và đang khởi quay mùa thứ 4. Đạp gió rất được yêu mến, ngoài đại diện Việt Nam là Chi Pu, rất nhiều nữ nghệ sĩ tham gia show được hưởng lợi về hình ảnh lẫn danh tiếng, thậm chí có trường hợp vực dậy sự nghiệp đang trên đà xuống dốc. Sức hút của Chị đẹp đạp gió rẽ sóng còn đến từ sự thành công của Chi Pu ở Đạp gió 2023. Từ một ca sĩ được xem là hát live tệ ở Việt Nam, cô thành công ghi tên vào nhóm nhạc chiến thắng, ngang hàng với những tên tuổi hàng đầu Hoa ngữ.
Để làm được điều này, Đạp gió không chỉ khai thác yếu tố thực lực của các nữ nghệ sĩ mà còn đầu tư sân khấu, dàn dựng tiết mục, đẩy mạnh thời trang và câu chuyện bên lề của các "chị đẹp". Hầu hết những yếu tố đó lại đang là điều mà Chị đẹp đạp gió rẽ sóng làm chưa tới. Là người theo dõi các chương trình Hoa ngữ thường xuyên, bạn Hoàng Long (23 tuổi, TP Thủ Đức, TP.HCM) nhận định: "Mình theo dõi show Đạp gió 2023 không sót tập nào, chính vì vậy khi biết có bản Việt Nam, mình đã rất trông chờ. Thế nhưng thấy hơi chán, các nghệ sĩ chia sẻ nhiều nhưng không đọng lại, rất ít chi tiết đắt giá. Quảng cáo lộ liễu, rất khó chịu cho người xem". Ngay từ tập 1, sân khấu solo của các nghệ sĩ bị nhận xét thiếu đầu tư, bối cảnh đơn giản, ánh sáng không đủ khiến nhiều phần trình diễn kém hấp dẫn, nhàm chán. Hai MC Lâm Bảo Châu và Quốc Trường điển trai nhưng dẫn bị khớp. Ý kiến nói MC của chương trình được "mỗi cái mặt đẹp, còn dẫn thì nhạt" nhận được nhiều sự đồng tình. Trong một số góc quay ở tập 2, lọt nhiều vỏ bánh, nước uống vào khung hình khiến hình ảnh của các "chị đẹp" bị chê thiếu chuyên nghiệp. Nếu như Đạp gió 2023 chiếu vòng công diễn đầu tiên chỉ sau hai tuần lên sóng thì Chị đẹp đạp gió rẽ sóng để khán giả chờ đến tập 5 nên nhiều người nhận xét là dài dòng và lan man. Chị đẹp đạp gió rẽ sóng còn vấp phải rất nhiều chỉ trích khác như: Điểm số của các "chị đẹp" chưa tương xứng; Cách thức bình chọn rườm rà; Giới thiệu vòng công diễn trong trailer nhưng tập mới không có; Hành động gác chân lên bảng tên của Hồng Nhung... Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hồng Quang Minh - người làm truyền thông lâu năm trong lĩnh vực giải trí - nhận định: "Trung Quốc có thị trường giải trí lớn nhưng chưa chắc mua format thành công về là sản xuất sẽ thành công tương tự". Từ câu chuyện của Chị đẹp đạp gió rẽ sóng, ông Minh cho rằng điểm yếu ở ta hiện nay là thiếu kinh nghiệm sản xuất các chương trình lớn: "Vốn người Việt không tự nhiên, thoải mái kết nối khi lên truyền hình dẫn đến một số show thực tế tạo cảm giác diễn, xếp đặt, thiếu tự nhiên. Ngoài ra chi phí sản xuất luôn là vấn đề đau đầu. Vì tiền tài trợ sẽ thường tới sau vài tháng, còn tiền sản xuất đối ứng lại phải có luôn để sản xuất sớm". Làm gì để ít bị chê? Cần những người sản xuất có kinh nghiệm từ nước ngoài về. Tất nhiên kinh nghiệm bản địa quan trọng nhưng trình độ, kỹ năng được đào tạo ở các quốc gia phát triển là nền vững chãi về chuyên môn nghề nghiệp. Bên cạnh đó việc kết nối giữa nhà tài trợ, nhà sản xuất và agency trung gian cũng cần hoàn thiện, khéo léo cân đối quyền lợi giữa các bên hơn. Khi đó khán giả sẽ bớt cảm thấy chương trình nặng nề về mặt thương mại, xếp đặt. Ông Hồng Quang Minh (Nguồn: Tuoitre.vn) Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
|