Ồ ạt trồng sầu riêng: Nguy cơ mất thị trường xuất khẩu |
Việc ồ ạt trồng sầu riêng không chỉ gây tình trạng "cung vượt cầu" mà còn ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, từ đó nguy cơ cao mất đi thị trường xuất khẩu. Không như một số loại nông sản mà Việt Nam từng chiếm lợi thế, trái sầu riêng Việt Nam chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ quốc gia láng giềng Thái Lan, nơi đã khẳng định được thương hiệu cho loại trái cây này. Việc Trung Quốc đồng ý nhập khẩu sầu riêng đồng nghĩa trái sầu riêng Việt Nam đang có chỗ đứng. Thế nhưng, việc ồ ạt trồng sầu riêng không chỉ gây tình trạng "cung vượt cầu" mà còn ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, từ đó nguy cơ cao mất đi thị trường xuất khẩu. Giải pháp nào để bảo vệ thương hiệu, tối ưu hóa lợi thế sầu riêng Việt? Trong phần 2 của loạt bài "Ồ ạt trồng sầu riêng, mừng ít lo nhiều", nhóm phóng viên VOV tại TP.HCM sẽ đề cập vấn đề này, qua góc nhìn và đề xuất của các chuyên gia. Chồng chất nỗi lo Trước tình hình diện tích sầu riêng liên tục tăng mạnh trong thời gian gần đây, ông Nguyễn Minh Hiếu, Phó Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Bình Phước lo ngại, mọi người đổ xô trồng chỉ vì giá trị kinh tế cao, nếu không nắm bắt các yêu cầu kỹ thuật để canh tác thì dễ “tiền mất, tật mang” vì loại cây này khó chăm sóc, chi phí đầu tư lớn. Bên cạnh đó, ông Hiếu cũng lo lắng khi hiện nay chỉ mới có một thị trường để xuất khẩu sầu riêng là Trung Quốc, nên trong quá trình hợp tác nếu có vấn đề thì khả năng ùn ứ sầu riêng là rất lớn. Nông hộ, doanh nghiệp, hợp tác xã cần trao đổi chia sẻ kinh nghiệm để phát triển cây sầu riêng (Ảnh Thiên Lý) Ông Nguyễn Minh Hiếu chia sẻ, trước đó, Việt Nam đã ký nghị định thư xuất khẩu xoài sang Trung Quốc, thế nhưng trong quá trình thực thi bị rút lại nên xảy ra tình trạng “giải cứu” xoài. Đối với sầu riêng, hiện nay nghị định thư được ký 3 năm nên nông dân rất lo lắng sợ gặp tình trạng tương tự. Do đó, các nhà sản xuất hy vọng Nhà nước có sự kết nối, xúc tiến mở rộng thêm thị trường xuất khẩu. “Đứng về góc độ của người nông dân, chúng tôi mong muốn cộng đồng canh tác sầu riêng cần ngồi lại với nhau, chia sẻ kinh nghiệm để trái sầu riêng đạt chất lượng tốt nhất, phù hợp với nhu cầu của thị trường Trung Quốc. Đồng thời các cơ quan chức năng, ban ngành cũng hướng dẫn, giúp chúng tôi có định hướng rõ ràng, tránh tình trạng bị dội chợ, giải cứu sầu riêng” - ông Hiếu bày tỏ. Tính đến đầu năm 2023, Bình Phước có 10 hợp tác xã, doanh nghiệp được cấp mã số vùng trồng sầu riêng với diện tích 669 ha; Đồng Nai có 7 vùng được cấp mã vùng trồng với diện tích hơn 533 ha; Long An chỉ có 2 cơ sở được cấp mã vùng trồng với hơn 36 ha… Theo Đề án Phát triển bền vững cây ăn quả chủ lực đến năm 2030, Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn quy hoạch diện tích sầu riêng cả nước từ 65.000 ha đến 75.000 ha, thế nhưng đến nay con số này đã tăng lên trên 80.000 ha. Trong số 80.000 ha sầu riêng chỉ có 5% diện tích được cấp mã vùng trồng, xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc với nhiều quy định, tiêu chuẩn mà nông dân rất khó tự mình làm. Nếu nông dân tiếp tục trồng tự phát, cung vượt cầu sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro. Cụ thể, nếu trồng trên diện tích đất bị phèn, xâm nhập mặn, thiếu nước sẽ phải tốn nhiều chi phí đầu tư, ảnh hưởng đến chất lượng quả. Cần duy trì ổn định vùng trồng, có kế hoạch phát triển bài bản, khoa học để quản lý sản lượng, chất lượng cho sầu riêng Việt (Ảnh: Nguyễn Quang) Các chuyên gia nông nghiệp nhấn mạnh rằng, với đà mở rộng diện tích mà không tính toán, cân nhắc thì chỉ trong vài năm nữa, một sản lượng sầu riêng lớn tại Việt Nam sẽ ra thị trường. Trong khi đó, ở Đông Nam Á, cùng với Thái Lan, nhiều nước khác cũng đang đẩy mạnh trồng sầu riêng mà thị trường tiêu thụ chủ yếu chỉ có Trung Quốc thì sẽ gặp nhiều rủi ro. Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Hâu, chuyên gia nông nghiệp cho biết: "Ở Thái Lan họ có nghiên cứu để đánh giá mức độ rủi ro trong quá trình phát triển sầu riêng đến năm 2025. Nói chung mức độ rủi ro này có tăng lên, mà bên đó thì họ dựa vào nhiều chỉ tiêu lắm, có tới 10 chỉ tiêu". Bảo vệ thương hiệu sầu riêng Việt Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vina T&T Group, sầu riêng Việt Nam có rất nhiều lợi thế để cạnh tranh, nhất là vận chuyển gần, hàng hoá tươi ngon, chi phí thấp, được trồng quanh năm. Trung Quốc nhập 4 đến 5 tỷ USD trái sầu riêng mỗi năm, sầu riêng Việt Nam kỳ vọng chiếm lĩnh khoảng hơn 1 tỷ USD trong thị phần này Trong khi đó Thái Lan, Malaysia thì trồng theo mùa vụ. Trước đây, Thái Lan phải thu mua sầu riêng từ Việt Nam rồi mới xuất sang Trung Quốc. Trong khi Trung Quốc nhập 4 - 5 tỷ USD trái sầu riêng mỗi năm, trước mắt sầu riêng Việt Nam kỳ vọng chiếm lĩnh khoảng hơn 1 tỷ USD trong thị phần này. Vấn đề là phải duy trì ổn định vùng trồng, có kế hoạch phát triển bài bản, khoa học để quản lý sản lượng, chất lượng cho sầu riêng Việt. Bên cạnh đó mã vùng trồng cấp cho cơ sở sản xuất, quyền lợi phải chia sẻ, rõ ràng. Không được lợi dụng mã vùng trồng nơi này để đi lấy sầu riêng nơi khác. Đó là hành vi gian lận cần phải chế tài nghiêm. Ông Nguyễn Đình Tùng cho rằng thách thức, khó khăn lớn nhất của ngành rau quả Việt Nam là phải cố gắng làm sao bảo vệ được chất lượng, bảo vệ được thương hiệu để ổn định đầu ra. Những thách thức về ổn định vùng trồng và cách thức truyền thống cho sản phẩm vươn xa thuộc phạm vi điều chỉnh của nhà chức trách trong nước và ý thức lợi ích bền vững của người nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp. Lợi thế của sầu riêng Việt Nam là vận chuyển gần, hàng hoá tươi ngon, chi phí thấp, sản lượng trồng quanh năm (Ảnh: Nguyễn Quang) Ông Tùng nhấn mạnh: "Thách thức, khó khăn lớn nhất của ngành rau quả Việt Nam là phải cố gắng làm sao giữ được chất lượng, bảo vệ được thương hiệu. Qua truyền thông chúng ta thấy hay nói rằng Việt Nam còn canh tác nhỏ lẻ, manh mún, không an toàn, vệ sinh thì những điều đó đều ảnh hưởng tới nhu cầu của người tiêu dùng trên thế giới. Vì vậy cách thức truyền thông, cách thức bảo vệ thương hiệu Việt quyết định rất lớn đến việc xuất khẩu đi thị trường các nước". Trong khi khả năng thích ứng với thay đổi nhu cầu thị trường của trái sầu riêng còn thấp, sản xuất mang tính tự phát, thì để hướng tới việc sản xuất, xuất khẩu sầu riêng hiệu quả bền vững, ngoài việc xây dựng vùng sản xuất, liên kết vùng bền vững, cần chú trọng việc đào tạo, hướng dẫn kỹ thuật cho nhà nông. Khi đã có những người trồng sầu riêng chuyên nghiệp, am hiểu thị trường, biết cách sản xuất và vận hành theo quy luật thị trường thì mới có thể giải quyết được bài toán sản xuất “manh mún, nhỏ lẻ, tự phát”, không chỉ là cây sầu riêng mà còn rất nhiều loại nông sản khác của Việt Nam. Theo vov.vn-15/3/2023 Link nguon: https://vov.vn/kinh-te/o-at-trong-sau-rieng-nguy-co-mat-thi-truong-xuat-khau-post1007396.vov Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
|